Đường dẫn truy cập

Ông Trần Đại Quang muốn đào tạo 'công dân toàn cầu'


'Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh... Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác.' (Ảnh minh hoạ)
'Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh... Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác.' (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, Chủ tịch Việt Nam đã thúc giục ngành giáo dục “tập trung đào tạo những ‘công dân toàn cầu’”. Tuy nhiên, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng cho rằng nỗ lực này sẽ gặp khó khăn lớn do “tư duy phản biện” và “ý kiến khác chiều” không được khuyến khích ở Việt Nam.

Hôm 4/2, khi đến thăm Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội, Chủ tịch Trần Đại Quang nêu rõ giáo dục và đào tạo “đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia”.

Riêng đối với ngành giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Quang đề nghị ngành cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một thuật ngữ nói về sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu, chế tạo, thực hiện dịch vụ trên nền tảng Internet và các hệ thống trong không gian ảo.

Chủ tịch Việt Nam không nói cụ thể các tiêu chuẩn về công dân toàn cầu là gì. Cũng không có định nghĩa chính thức của một cơ quan nhà nước Việt Nam về điều này.

Nói với VOA từ Việt Nam, Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang cho rằng “không có lời giải nhất định” về thế nào là “công dân toàn cầu”. Ông nêu ra cách nhìn riêng về khái niệm này:

“Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh, chuyện ở Syria, chuyện ở Đức, chuyện ở Mỹ. Tìm hiểu xem những cái đấy thì nó có tác động như thế nào tới bản thân cuộc sống của mình. Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác. Tức là không chỉ chăm chú đến miếng cơm manh áo của mình mà còn lưu ý đến số phận của những con người ở các khu vực khác nữa”.

Là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã xuất bản nhiều cuốn sách, Tiến sĩ Giang nói điều quan trọng hơn đối với một công dân toàn cầu là thái độ sống chứ không phải là các kỹ năng cụ thể như thành thạo ngoại ngữ, máy tính, phân tích, v.v…, dù các kỹ năng đó cũng cần thiết.

Ông nói rõ thêm rằng đó là người ý thức được rằng không phải bản thân lúc nào cũng biết hết, lúc nào cũng đúng. Người đó cũng hiểu được có thể sống trong cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, hiểu sự đa dạng trên thế giới, có sự khoan dung, tôn trọng sự khác biệt và không phán xét những cái khác với bản thân.

Nhận định về nỗ lực của Việt Nam nhằm đào tạo ra các công dân toàn cầu, Tiến sĩ Giang chỉ ra một cản trở to lớn:

“Cái thách thức lớn nhất ở Việt Nam là chúng ta có một hệ thống giáo dục và chính trị không khuyến khích sự đa dạng, không khuyến khích tư duy phản biện, không khuyến khích những cái ý kiến khác chiều. Mà chúng ta đòi hỏi mọi người đều suy nghĩ giống nhau và phải trái, trắng đen rất là rõ ràng, không ai được quyền chất vấn, được quyền phản biện những cái đấy. Cái triết lý đấy trong giáo dục, trong nhà trường, trong gia đình nó là cản trở cho việc hình thành thái độ của công dân toàn cầu”.

Mặc dù các điều kiện hiện nay về chính trị, xã hội của Việt Nam gây khó khăn cho việc đào tạo công dân toàn cầu, song Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng nêu ra những yếu tố tác động từ bên ngoài giúp thúc đẩy cho tiến trình này:

“Vì những cái yêu cầu của nền kinh tế, chúng ta không sớm thì muộn bắt buộc phải đi theo hướng khoan dung hơn và hiểu biết hơn. Ví dụ các công ty đa quốc gia sẽ tìm đến những nhân viên, những cán bộ mà có thể làm việc được với nhiều người ở các nước khác nhau trên thế giới và cũng có sự khoan dung với các quốc gia khác. Trở thành công dân toàn cầu sẽ là một nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế. Đấy cũng sẽ là đòn bẩy giúp chúng ta thoát khỏi tư duy địa phương chủ nghĩa”.

Chỉ mới hơn một tháng trước, Chủ tịch Trần Đại Quang cũng đã có những phát ngôn về đào tạo công dân toàn cầu.

Hôm 21/12/2016, tại Hà Nội, ông Quang đã tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres, Giám đốc Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO và Đại học California, Los Angeles của Mỹ.

Ông Quang đã đề nghị Giáo sư Carlos Alberto Torres nghiên cứu khả năng triển khai Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam, kết hợp với giao lưu, trao đổi kiến thức để mang tinh hoa văn hóa của Việt Nam giới thiệu ra thế giới.

Ông Trần Đại Quang muốn đào tạo 'công dân toàn cầu'
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:09 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG