Đường dẫn truy cập

Việt Nam chú trọng vào nền kinh tế công nghệ cao


Một khoa học gia trình bày một dĩa bán dẫn silicon tại Viện Công nghệ Thụy Sĩ ở Ecublens, gần Lausanne,
Một khoa học gia trình bày một dĩa bán dẫn silicon tại Viện Công nghệ Thụy Sĩ ở Ecublens, gần Lausanne,

Nổi tiếng từ lâu nhờ xuất khẩu cà phê và gạo, Việt Nam giờ đây muốn được biết đến nhiều hơn là một nước xuất khẩu nguyên liệu thô hàng đầu. Vì thế Việt Nam đang nhắm tới một ngành công nghiệp sáng giá hơn: công nghệ cao và đặc biệt là công nghiệp điện tử.

Nói đến việc phát triển một Thung lũng Silicon của riêng Việt Nam có thể còn hơi xa vời. Nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút những tên tuổi lớn như Microsoft, Samsung và Intel. Cả ba công ty này đang biến Việt Nam một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của họ. Đó là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam có một số đặc điểm đáng mong muốn để giúp nước này phát triển lĩnh vực công nghệ. Nhưng câu hỏi là liệu Việt Nam có thể biến tiềm năng đó trở thành cỗ máy tăng trưởng kinh tế được hay không.

Viễn kiến năm 2020

Nỗ lực của Việt Nam tiến vào nền kinh tế công nghệ đang giúp ích cho những kỹ sư trẻ như anh Nguyễn Trọng Nhân. Anh trở về từ Australia với tấm bằng thạc sĩ ngành lập trình và nhanh chóng tìm được một công việc tại công ty National Instruments vào năm ngoái. Công ty Việt Nam này cung cấp phần cứng và phần mềm cho những doanh nghiệp khác, nhưng chủ yếu là cho các trường học với các phòng thí nghiệm khoa học.

"Tôi nghĩ chúng tôi rất tốt về mặt giáo dục," anh Nhân nói. "Nhưng bây giờ chúng tôi muốn xây dựng các mối quan hệ trong ngành công nghiệp."

Nhiều khả năng sẽ có một ngành công nghiệp công nghệ cao rộng lớn hơn để công ty của anh phục vụ trong những năm tới. Năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một quyết định đề ra chiến lược phát triển quốc gia về khoa học và công nghệ, mà theo đó dự báo rằng đến năm 2020, giá trị những sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 45% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Bà Radhika Srinivasan, Giám đốc chương trình của tập đoàn IBM phụ trách liên minh công nghệ và cấp giấy phép, thứ Tư tuần trước phát biểu tại Hội nghị cấp cao Việt Nam về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn tại thành phố Hồ Chí Minh rằng, Việt Nam đang đặt cược tương lai của mình vào một lĩnh vực đúng đắn.


"Tại sao Việt Nam, hay bất cứ nền kinh tế mới nổi nào, thực sự nên tập trung vào vi điện tử hoặc chất bán dẫn?" bà Srinivasan hỏi. "Nó thúc đẩy sự cải tiến và tinh thần sáng nghiệp, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."

Những yếu tố thuận lợi

Các nhà đầu tư cho biết đất nước 90 triệu dân này thu hút họ bởi vì vị trí gần Trung Quốc và những tuyến hải vận trọng yếu, sự chú trọng đến đồng thuận và làm việc tập thể, và đạo lý lao động kinh doanh. Nhiều người dân Việt Nam kinh doanh theo hình thức gia đình và có một thái độ niềm nở với người nước ngoài. Một số người thậm chí còn nói rằng tiếng Việt, không giống như tiếng Trung Quốc, sử dụng hệ thống chữ cái Latinh và điều này làm khiến người dân địa phương dễ tiếp nhận tiếng Anh làm ngôn ngữ cầu nối của thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng có cơ cấu dân số thuận lợi, đặc biệt là nhóm dân số trẻ tuổi, rành công nghệ mê sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh.

"Những yếu tố thuận lợi cho Việt Nam là mức lương thấp và một lượng lớn sinh viên mới ra trường," ông Phạm Bá Tuân, chuyên gia cao cấp của CNS, một tổng công ty lớn của nhà nước nỗ lực xây dựng một cơ sở chế tạo đĩa bán dẫn (wafer) bằng silicon, cho biết.

Thách thức giáo dục

Dù có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, giáo dục vẫn là thứ cần phải hoàn thiện. Dù học đại học là ưu tiên hàng đầu đối với hầu hết những gia đình, các doanh nghiệp thường than phiền rằng sinh viên gia nhập lực lượng lao động không có những kỹ năng cần thiết. Ví dụ, được biết khoảng 6 năm trước Intel đã kiểm tra 2.000 sinh viên tốt nghiệp mà trong đó chỉ có 40 người có năng lực kỹ thuật và ngôn ngữ mà công ty cần.

Kể từ đó, Intel đã đầu tư hàng triệu đô la để giáo dục học sinh Việt Nam bằng cách gửi họ vào một trường đại học ở Mỹ hoặc một trường đại học của Australia với cơ sở tại Việt Nam, theo tổng giám đốc Intel Việt Nam Sherry Boger. Những người nhận học bổng làm việc cho Intel sau khi họ tốt nghiệp.

Bà Boger cho biết một vấn đề là các lớp học ở Việt Nam, nơi mà giáo viên giảng bài và học sinh lắng nghe, có xu hướng "một chiều."

"Học sinh không cảm thấy thoải mái đặt nhiều câu hỏi," bà nói. "Và vì vậy điều mà chúng tôi muốn có thể nhìn thấy tại nơi làm việc là nhân viên nói lên ý kiến, mối quan tâm của họ, và rằng chúng tôi có sự trao đổi thông tin tự do."

‘Một bước nhảy vọt’

Ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng và các quy định, Việt Nam sẽ cần có tiến bộ giáo dục này nếu muốn đưa ngành công nghệ của mình ra khỏi giai đoạn dây chuyền lắp ráp. Thiết bị điện tử gần đây đã trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, trị giá 21,7 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó chủ yếu liên quan đến việc lắp ráp và đóng gói những thiết bị này. Để có thể tạo ra những sản phẩm tân tiến, chẳng hạn như chip bán dẫn, Việt Nam đang hy vọng vào những chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài.

"Lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất mới, và chúng ta cần tiếp nhận thông tin và kinh nghiệm công nghệ từ nước ngoài," ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị cấp cao về công nghệ bán dẫn.

Tiếp thu công nghệ sẽ giúp cho những kế hoạch đầy tham vọng của Việt Nam tham gia vào ngành sản xuất đĩa bán dẫn silicon. Ông Eduard Hoeberichts, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty bán dẫn FabMax của Hà Lan, cho biết chưa tới 20 quốc gia có khả năng sản xuất đĩa bán dẫn. Tuy nhiên, ông cảm thấy khích lệ vì một tuần trước đó, Hà Nội đã cấp một loạt giấy phép chấp thuận đề xuất về cơ sở sản xuất đĩa bán dẫn của Tổng Công ty CNS.

"Tầm quan trọng của quyết định đó là, nó là lời khẳng định Việt Nam đang đầu tư vào công nghệ thực sự," ông Hoeberichts nói. "Đối với một nước đang phát triển, nó là một bước nhảy vọt."

VOA Express

XS
SM
MD
LG