Đường dẫn truy cập

Việt-Mỹ đối thoại quốc phòng


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Việt Nam và Hoa Kỳ vừa tổ chức cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ ba tại Hà Nội.

Tân Hoa xã ngày 14/1 trích thuật báo chí trong nước cho hay cuộc đối thoại song phương diễn ra hôm 11/1 giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, ông Vikram Singh.

Đôi bên trao đổi quan điểm về hợp tác quốc phòng cùng các vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Việt-Mỹ cũng xem lại các kết quả đạt được trong 5 lĩnh vực đề ra trong Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương ký hồi tháng 9/2011.

Hai nước đồng ý rằng đã đạt được một số tiến bộ đặc biệt trong các vấn đề hợp tác nhân đạo bao gồm tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, tháo dỡ bom mìn còn sót lại và tẩy độc các địa điểm bị ô nhiễm chất da cam-dioxin.

Ngành quốc phòng của hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ cũng đề nghị mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực mới như đào tạo nguồn nhân lực, quân y, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, và cứu hộ thiên tai.

Đôi bên hy vọng hợp tác quốc phòng song phương sẽ góp phần thắt chặt quan hệ Việt-Mỹ vì hòa bình và ổn định vùng Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đang đối mặt với các tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa xã dẫn nguồn từ truyền thông Việt Nam không cho biết vấn đề Biển Đông có được đề cập tới trong cuộc đối thoại quốc phòng Việt-Mỹ lần này hay không.

Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang nỗ lực củng cố khả năng quốc phòng và tăng cường chi tiêu cho thiết bị quân sự để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trước những lo ngại về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu tăng cường ngân sách quốc phòng từ 66% tới 82% trong giai đoạn 2002-2011.

Viện này cho biết 97% số võ khí chính yếu của Việt Nam bao gồm tàu khu trục nhỏ, máy bay tác chiến, và hệ thống phi đạn phòng thủ duyên hải Bastion mua từ Nga trong giai đoạn 2007-2011.

Việt Nam hiện cũng đang đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga trong lúc đang tìm cách đa dạng hóa thiết bị quân sự của mình qua các cuộc thảo luận với Hà Lan và Hoa Kỳ.

Nguồn: Xinhua, VNA

VOA Express

XS
SM
MD
LG