Đường dẫn truy cập

Vị thế trung tâm tài chính Hồng Kông bị đe dọa vì xáo trộn chính trị?


Các tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông.
Các tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông.

Hồi trung tuần tháng này, Ngân hàng HSBC, ngân hàng lớn hàng thứ 5 thế giới, loan báo không dời trụ sở chính ở London sang Hồng Kông. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, quyết định đó làm cho một số người nghĩ rằng vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông đã bị sút giảm.

HSBC đã đặt trụ sở chính tại Hồng Kông trong hơn 125 năm, sau khi thành lập tại thành phố này vào năm 1865 với tên gọi là Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải. Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh năm 1989 đã làm cho nhiều nhân vật lãnh đạo của ngân hàng này cảm thấy lo ngại, và vào năm 1993, họ dời trụ sở chính sang London.

Ngày 14 tháng 2 vừa qua, HSBC tuyên bố quyết định giữ trụ sở chính ở London là vĩnh viễn.

Đa số hoạt động kinh doanh của HSBC là ở Á châu và việc chuyển trụ sở sang Hồng Kông có thể giúp ngân hàng này tiết kiệm hàng tỉ đô la. Nhưng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Hồng Kông và những vụ xuống đường biểu tình trong thời gian qua có lẽ đã làm cho HSBC không muốn dời trụ sở.

Ngày 25 tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông John Tsang nói "sự dao động chính trị" trong thời gian qua có thể gây phương hại cho nền kinh tế của đặc khu hành chính này.

Dịp Tết Âm lịch vừa qua, một vụ bạo động đã xảy ra ở khu Mong Kok, khi cảnh sát tìm cách dẹp bỏ những nơi bán hàng rong.
Dịp Tết Âm lịch vừa qua, một vụ bạo động đã xảy ra ở khu Mong Kok, khi cảnh sát tìm cách dẹp bỏ những nơi bán hàng rong.

Những vụ xuống đường biểu tình đã làm rúng động Hồng Kông trong 2 năm nay. Năm 2014, hàng triệu người biểu tình đòi dân chủ đã ngăn chặn đường sá trong nhiều tuần lễ để đòi quyền trực tiếp bầu ra nhà lãnh đạo chính quyền thành phố. Năm nay, những người hô hào cho việc độc lập với Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình.

Dịp Tết Âm lịch vừa qua, một vụ bạo động đã xảy ra ở khu Mong Kok, khi cảnh sát tìm cách dẹp bỏ những nơi bán hàng rong. Một số người biểu tình nói rằng những hành động của cảnh sát là một âm mưu nhằm tiêu diệt văn hoá địa phương.

Vụ biệt tích của 5 nhà xuất bản sách ở Hồng Kông từng xuất bản những cuốn sách chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã gây ra nhiều mối lo ngại. Chính phủ Anh nói rằng việc chính phủ Trung Quốc câu lưu những người này trong tỉnh Quảng Đông là một sự vi phạm đối với "Bộ Luật Cơ bản" của Hồng Kông.

Tuy có những sự xáo trộn chính trị như vậy, các nhân vật lãnh đạo Hồng Kông, như bà Regina Ip, người đứng đầu Đảng Tân Dân – có lập trường thân Bắc Kinh, nói rằng Hồng Kông sẽ tiếp tục là một trung tâm tài chánh quan trọng.

Bà Ip cho biết: "Một số lo ngại trong ngắn hạn là có thể hiểu được, nhưng tôi nghĩ rằng thành phố của chúng tôi, như một trung tâm tài chánh quốc tế, chúng tôi có một lịch sử lâu dài của một trung tâm thượng hạng về tài chính và kinh doanh. Chúng tôi có những nền tảng rất vững chắc, dựa trên một lịch sử rất dài của chế độ cai trị theo luật pháp."

Bà Regina Ip, người đứng đầu Đảng Tân Dân - có lập trường thân Bắc Kinh, nói rằng Hồng Kông sẽ tiếp tục là một trung tâm tài chánh quan trọng.
Bà Regina Ip, người đứng đầu Đảng Tân Dân - có lập trường thân Bắc Kinh, nói rằng Hồng Kông sẽ tiếp tục là một trung tâm tài chánh quan trọng.

Tuy tình trạng xáo trộn chính trị có thể làm cho một số công ty tài chính cảm thấy bất an, ông Peter Guy, một nhà bỉnh bút tài chính, nói rằng sức mạnh kinh tế mỗi ngày một nhiều của Hoa Lục là một yếu tố lớn hơn, ảnh hưởng tới vị thế trung tâm tài chánh của Hồng Kông trong tương lai.

Ông Guy nói: "Bản thân Trung Quốc đang phát triển như một nước, như một nhóm các trung tâm tài chính. Và vì Trung Quốc là một nước lớn như vậy, nên Hồng Kông không thể giữ mãi vị thế của một cửa ngỏ. Cũng giống như các ngân hàng ở Mỹ. Citibank không chỉ có trụ sở chính ở New York, mà còn có những trụ sở ở Chicago, Houston, Los Angeles."

Ông Thomas Chan, giám đốc Trung tâm Thương nghiệp Trung Quốc của Đại học Kỹ thuật Hồng Kông, nói rằng thành phố này sẽ tiếp tục là một cửa ngỏ hết sức quan trọng đối với các công ty tài chánh muốn làm ăn ở Hoa Lục, và sáng kiến qui mô lớn của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng có tên "Một vành đai, một con đường" sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và các công ty tới Hồng Kông.

Ông Chan phát biểu: "Ngay cả những ngân hàng Nhật từng rời khỏi Hồng Kông năm 1997 cũng đã quay lại Hồng Kông vì trung tâm tài chánh Nhân dân tệ và vì chiến lược một vành đai một con đường."

Hồi đầu năm nay, Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh nói rằng Hồng Kông không phải chỉ là một cửa ngỏ cho các công ty nước ngoài tiến vào Hoa Lục, mà còn là một "điểm nối kết tuyệt hảo" để các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài và nới rộng các hoạt động kinh doanh trên thế giới.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG