Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ thông qua luật mới về an toàn thực phẩm


Những hệ thống siêu thị lớn và các nhà hàng ăn ngày càng mua sản phẩm của các nông gia địa phương
Những hệ thống siêu thị lớn và các nhà hàng ăn ngày càng mua sản phẩm của các nông gia địa phương

Nhà chức trách Hoa Kỳ cho biết mỗi năm cứ 6 người lại có một người Mỹ bị bệnh do thực phẩm gây ra. Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua đạo luật mới nhắm giảm bớt số người bị ngã bệnh vì nguyên nhân như vậy. Luật mới siết chặt những qui định đối với các nhà sản xuất thực phẩm, ngoại trừ những nhà tiểu nông hoạt động trên qui mô nhỏ. Đó là một nhượng bộ đối với phong trào sản xuất lương thực tại địa phương đang lên tại Hoa Kỳ.

Vào lúc 9 tuổi, cô bé Rylee Gustafson đã ăn phải rau rền Mỹ (spinach) và bị nhiễm vi trùng E.Coli. Cô là một ca bệnh nặng nhất trong số ít nhất 200 bệnh nhân tại 26 bang ngã bệnh vì vụ nhiễm vi trùng này.

Cô cho biết lúc đầu bị đau quặn và tiêu chảy, nhưng sau còn tệ hơn"

"Sau đó còn đi ra máu nữa, khiếp quá, em kinh hoảng vì không biết chuyện gì xảy ra cho em."

Rylee bệnh nặng đến nỗi thận không làm việc được nữa và có thể rồi ra cô cần phải thay thận.

Mới đây nhất một vụ nhiễm độc thực phẩm rộng lớn do trứng, bơ đậu phộng và những thực phẩm khác đã tác hại cho hàng trăm người ở nhiều bang, khiến cho dư luận phải chú ý đến nhiều.

Giám đốc cuộc vận động cho an toàn thực phẩm, bà Sandra Eskin thuộc tổ chức Pew Charitable Trusts nói rằng luật mới nhắm ngăn chặn những vụ bột phát bệnh do nhiễm độc thức ăn như vậy:

"Quí vị sẽ thấy một sự chuyển hóa trong việc chính phủ bảo đảm sao cho nguồn cung cấp thực phẩm được an toàn hơn."

Thay vì đợi cho đến khi một vụ ngộ độc thực phẩm bột phát rồi mới thu hồi, giờ đây Cơ Quan Quản Trị An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm sẽ đòi công ty sản xuất giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trước khi thực phẩm được đưa ra thị trường.

Bà Eskin nói rằng điều này thực sự quan trọng trong hệ thống sản xuất thực phẩm ngày nay. Trong khi các vụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn tại Hoa Kỳ rất hiếm hoi, nhưng nếu một vụ nhiễm khuẩn nhỏ xảy ra lại có thể tác hại rất lớn:

"Bất cứ một vụ chớm nhiễm khuẩn nào đó có thể sinh sôi nảy nở với vận tốc rất nhanh và một lần nữa lại lây lan rộng nếu như thực phẩm này lại được đem pha trộn với những sản phẩm khác."

Bà Eskin nói rằng do trộn lẫn rau rền Mỹ (spinach) không bị nhiễm với mẻ rau bị nhiễm, xong được chở đi phân phối trên toàn quốc nên mới xảy ra vụ ngộ độc lớn năm 2006.

Một yếu tố phức tạp trong bối cảnh an toàn thực phẩm là phong trào nuôi trồng rau trái ở địa phương, một phần cũng là để chống lại hệ thống sản xuất thực phẩm công nghiệp. Con số những chợ của nông gia, nơi mà khách tiêu thụ có thể đến mua thẳng sản phẩm từ các nhà tiểu nông ở địa phương, đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên vừa qua, tới hơn 6 ngàn chợ trên toàn quốc. Bà Monuka Blaumueller sống gần một ngôi chợ của nông gia trong vùng thủ đô. Bà nói:

"Tôi rất tin tưởng vào những sản phẩm của các chợ nhỏ này. Tôi biết là rau trái được trồng nhỏ lẻ, như vậy dược chăm chút sạch sẽ, vệ sinh hơn."

Các chuyên gia không đồng ý như vậy. Họ nói rằng thực phẩm sản xuất ở địa phương có chung nguy cơ nhiễm khuẩn, mặc dù ít người có thể bị ảnh hưởng hơn là từ một xưởng chế biến thực phẩm.

Theo bà Susan Prolman, giám đốc chấp hành tổ chức có tên là Liên Hiệp Toàn Quốc cho Nông Nghiệp Bền Vững, các nhà tiểu nông từng lo ngại là những luật lệ áp dụng cho các đại công ty sẽ bóp chết phong trào canh tác nhỏ lẻ ở địa phương. Bà nói:

"Môt đường lối áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp sẽ khiến cho các nông gia và các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ phải dẹp tiệm hay sẽ ngăn không cho họ cung cấp những thực phẩm tươi tốt lành mạnh cho khách tiêu thụ, những thứ mà khách muốn."

Một dấu hiệu cho thấy là phong trào nuôi trồng ở địa phương đã được dân chúng ủng hộ như thế nào khi những người cổ vũ cho phong trào này đã vận động để luật lệ mới miễn trừ cho những nhà tiểu nông nào sản xuất dưới một tầm mức nào đó, để họ đem sản phẩm ra bán ở các chợ địa phương.

Theo ông Tom O'Brien, một luật sư làm việc cho Hiệp Hội Tiếp thị Sản Phẩm, một đoàn thể thương mại công nghiệp, thì chuyện miễn trừ này là một sai lầm. Ông nói:

"Người ta cứ cho rằng có đến 2 thị trường thực phẩm tách biệt hoàn toàn khác nhau: một là của các đại công ty và một của các nông gia nhỏ lẻ. Ít nhất là trong ngành công nghiệp sản xuất lương thực, chuyện không phải vậy. Nó là một thị trường hòa nhập."

Ông O'Brien nêu lên rằng hiện có những hệ thống siêu thị lớn và các nhà hàng ăn ngày càng mua sản phẩm của các nông gia địa phương. Ông cho rằng điều đó làm cho giới tiêu thụ khó có thể biết được là thực phẩm họ tiêu thụ có được bảo vệ bởi luật lệ mới hay không.

Mặc dù là có ngoại lệ như vậy, hầu hết những người cổ động cho an toàn thực phẩm ủng hộ luật mới và nói rằng nó sẽ giúp giảm bớt con số người Mỹ ngã bệnh vì ăn phải thực phẩm nhiễm trùng, như trường hợp của cô bé Rylee Gustafson.

VOA Express

XS
SM
MD
LG