Đường dẫn truy cập

Phản ứng của các nước về nỗ lực kích thích kinh tế mới nhất của Mỹ


Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm thứ Tư loan báo sẽ mua 600 tỉ đô la trái phiếu trong vòng 8 tháng tới
Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm thứ Tư loan báo sẽ mua 600 tỉ đô la trái phiếu trong vòng 8 tháng tới

Nỗ lực mới nhất của Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh nền kinh tế đang trì trệ đã gặp nhiều phản ứng trái ngược hôm thứ Năm.

Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm thứ Tư loan báo sẽ mua 600 tỉ đô la trái phiếu trong vòng 8 tháng tới, có nghĩa là Hoa Kỳ in thêm tiền mới trong nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Các thị trường chứng khoán tại châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ đã tăng mạnh hôm thứ Năm. Giá cả nhiều mặt hàng thông dụng tăng cao hơn giữa lúc đồng đô la mất giá.

Nữ phát ngôn viên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Caroline Atkinson, nói kế hoạch của Washington bơm thêm 600 tỉ đô la vào nền kinh tế có phần chắc chỉ mang lại một mức độ cải thiện khiêm nhường cho nền kinh tế Mỹ hiện đang chật vật đối phó với tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm.

Phát biểu với tờ The Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chánh Pháp Christine Legarde nói rằng Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn là phải hành động để kích thích nền kinh tế Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Rainer Bruederle, nhận định hành động của Bộ Tài chính Mỹ có thể gây phức tạp thêm cho các cuộc tranh cãi về vấn đề tiền tệ, và phương hại đến mậu dịch.

Các giới chức châu Âu và Brazil than phiền rằng quyết định của Hoa Kỳ có thể đưa đến tình trạng các nguồn vốn mới sẽ được đổ vào, tràn ngập nền kinh tế của các nước này, đồng thời đẩy giá trị đơn vị tiền tệ của họ lên cao, và như thế có thể phương hại đến các hoạt động xuất khẩu của họ.

Nhiều chính phủ châu Á đang có kế hoạch đưa ra một số biện pháp để giảm bớt lưu lượng vốn, khiến hội nghị thượng đỉnh của nhóm G 20 vào tuần tới tại Nam Triều Tiên, khó có hy vọng đạt được một thỏa thuận về tỷ giá hối đoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG