Đường dẫn truy cập

TT Nam Phi đi thăm TQ để tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế


Tổng thống Nam Phi Jacop Zuma
Tổng thống Nam Phi Jacop Zuma

Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma, với sự tháp tùng của nhiều bộ trưởng cấp cao, đã đến Trung Quốc hôm thứ Tư trong chuyến viếng thăm chính thức kéo dài hai ngày. Đây là một bước tiến khác nữa trong mối quan hệ khá tốt đẹp giữa Nam Phi với đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Khi nhìn vào những người tháp tùng Tổng thống Zacob Zuma, mọi người đều thấy rõ đây không phải là một chuyến viếng thăm xã giao thông thường.

Khi ông Zuma đặt chân tới Bắc Kinh hôm thứ Tư, trong phái đoàn của ông có đến bảy vị bộ trưởng, trong đó có những người lãnh đạo của các bộ tài chính, ngoại giao, thương mại, công nghiệp và giao thông.

Trong một thông cáo, nhà lãnh đạo Nam Phi nói rằng mục tiêu chính của chuyến đi là “bảo đảm rằng quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thông qua chính sách đối ngoại.”

Theo lời phát ngôn viên Mac Maharaj của Tổng thống Zuma, Trung Quốc là một nước quan trọng. Ông Maharaj cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi kể từ khi nước này cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập một khối của các nền kinh tế mới nổi, gọi tắt là BRICS. Ông nói:

"Thương mại giữa Trung Quốc và Nam Phi đã được cải thiện và các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Nam Phi đã đạt tới một con số khá cao, và chúng tôi muốn mối quan hệ đối tác này tiếp tục phát triển. Trung Quốc là một bộ phận quan trọng của khối BRICS, và Nam Phi là một hội viên của khối BRICS. Và cũng từ khía cạnh đó mà chúng tôi muốn làm mạnh thêm và đào sâu thêm các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nam Phi."

Các nhà phân tích nói rằng trọng tâm của chuyến công du này là sự đầu tư dài hạn của Trung Quốc vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Nam Phi.

Trung Quốc đã tỏ ý cho thấy họ muốn đấu thầu để tham gia kế hoạch của Nam Phi nhằm nới rộng mạng lưới điện quốc gia. Nam Phi có hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp 5% lượng điện cho hệ thống điện lệ thuộc vào than đá và đang chật vật để thỏa mãn nhu cầu mỗi ngày một tăng của giới tiêu thụ. Tháng 9 vừa qua, Nga đã ký một thỏa thuận về đối tác chiến lược với Nam Phi để giúp nước này xây dựng khả năng sản xuất điện hạt nhân. Tin tức báo chí cho biết kế hoạch này có thể dẫn tới một thương vụ 50 tỉ đô la để Nga cung cấp cho Nam Phi tám lò phản ứng hạt nhân trong vòng 10 năm.

Nam Phi cũng đã ký kết một hiệp định hợp tác hạt nhân với Pháp hồi tháng 10 và một hiệp định tương tự với Trung Quốc hồi tháng 11.

Tuy nhiên, sự xích lại mỗi ngày một gần giữa Nam Phi với Trung Quốc không phải là không gặp chỉ trích. Một cuộc nghiên cứu của tổ chức Pew năm 2013 cho thấy dân chúng Nam Phi có quan điểm lẫn lộn về Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy 46% dân chúng ở quốc gia Phi châu này không muốn thấy sự truyền bá của các ý tưởng và phong tục của Trung Quốc ở nước họ. Và do đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích hồi đầu năm nay, khi Bộ trưởng Giáo dục Nam Phi loan báo rằng một số trường sẽ bắt đầu dạy tiếng Quan Thoại.

Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết hai nước đang thảo luận với nhau về một quyết định hồi gần đây nhằm đặt trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển BRICS tại Thượng Hải. Khối này quyết định đặt trung tâm khu vực Phi châu tại Nam Phi – một diễn tiến có thể làm cho Nam Phi trở thành một người môi giới mới hay một bệ phóng của Trung Quốc để tiến vào lục địa châu Phi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG