Đường dẫn truy cập

Trung tâm cảnh báo sóng thần của TQ ở Biển Đông ‘phục vụ cho các nước’


Các thiết bị theo dõi động đất và sóng thần được đặt tại trường đại học Washington, Hoa Kỳ, trước khi được đưa đi lắp đặt.
Các thiết bị theo dõi động đất và sóng thần được đặt tại trường đại học Washington, Hoa Kỳ, trước khi được đưa đi lắp đặt.

Trung Quốc hôm 8/2 tuyên bố trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế của nước này ở Biển Đông đã mở cửa và phục vụ cho các nước xung quanh khu vực biển này.

Theo Tân Hoa Xã, trung tâm do Trung Quốc “xây dựng và quản lý” sẽ theo dõi mảng địa chất đứt gãy có nguy cơ gây động đất lớn ở Biển Đông, như Sulu và Sulawesi, và sẽ cung cấp dịch vụ cảnh báo liên tục 24 giờ, tờ báo nhà nước dẫn lời ông Vương Hoa, một quan chức thuộc Cục hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Biển Đông là khu vực có nguy cơ sóng thần. Hiện các nước trong khu vực chỉ dựa vào các cảnh báo do trung tâm cảnh báo của Mỹ và Nhật cung cấp.

Trung Quốc đưa ra dự án xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần vào năm 2009 và được Ủy ban Địa lý Liên Chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (IOC/UNESCO) phê duyệt vào năm 2013.

Trong tuyên bố ngày 8/2, quan chức của Cục hải dương Trung Quốc nói trung tâm “là kết quả của sự hợp tác hàng hải thực tế giữa các quốc gia xung quanh Biển Đông”.

Bản tin của Tân Hoa Xã nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tổ chức tập huấn và cung cấp cảnh báo sóng thần cho các nước xung quanh Biển Đông.

Tờ báo dẫn lời Giám đốc Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Quốc gia, Yuan Ye, cho biết hiện Trung Quốc có khả năng cảnh báo cho công chúng về sóng thần sau khi xảy ra động đất từ 8 đến 10 phút.

Hơn 80% sóng thần xảy ra ở Thái Bình Dương.

Năm 1897, một cơn sóng thần gây ra bởi một trận động đất ở phía bắc biển Sulu đã giết chết hơn 100 người. Một trận động đất 8,0 độ ở biển Sulawesi vào năm 1976 cũng giết chết gần 8.000 ở Phillippines.

Tiếp theo một loạt các hoạt động bồi đắp đất, lắp đặt các thiết bị, cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo, đá có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và một số nước khác trong khu vực, dự án xây dựng trung tâm sóng thần cũng được xem là nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoa Kỳ từng cảnh báo Bắc Kinh về các hoạt động quân sự hóa Biển Đông và có mục đích làm thay đổi hiện trạng trên thủy lộ đông đúc và giàu tài nguyên này. Nhưng Bắc Kinh nói tất các các hoạt động của họ phần lớn là nhằm mục đích dân sự, thúc đẩy nghiên cứu, cứu hộ và an ninh hàng hải, có lợi cho tất cả các nước trong khu vực.

XS
SM
MD
LG