Đường dẫn truy cập

TQ thúc đẩy Con đường tơ lụa, Úc khước từ


Bản đồ minh họa vành đai kinh tế con đường tơ lụa của Trung Quốc và con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 gọi là 'Một Vành đai Một Con đường'
Bản đồ minh họa vành đai kinh tế con đường tơ lụa của Trung Quốc và con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 gọi là 'Một Vành đai Một Con đường'

“Một Vành đai, Một Con đường” là sáng kiến của Trung Quốc muốn đầu tư 4 ngàn tỷ đô la vào các dự án hải cảng, cầu đường và đường sắt ở hải ngoại, và Bắc Kinh đang thúc đẩy các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tham gia vào sáng kiến của mình.

Tuy nhiên, Úc khẳng định sẽ không có thỏa thuận về dự án Cơ sở hạ tầng Bắc Australia trong chuyến thăm tuần này của Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.

Một giới chức Úc cho biết “Sẽ không có bản ghi nhớ nào được ký về vấn đề này trong chuyến thăm [của ông Lý.]”

Chuyến thăm của ông Lý diễn ra giữa bối cảnh khó khăn trong quan hệ Trung-Úc. Canberra đang thúc đẩy Washington tăng cường sự hiện diện trong khu vực và có lập trường cứng rắn hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuần rồi kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định.

“Dù các nước phi dân chủ như Trung Quốc có thể phát triển mạnh khi tham gia vào hệ thống hiện nay, một trụ cột quan trọng trong thứ tự ưu tiên của chúng ta là cộng đồng dân chủ ", bà Bishop nói trong một bài phát biểu tại Singapore, khiến Bắc Kinh phản ứng lạnh nhạt.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói với báo giới hôm 21/3 rằng: “Trong tương lai chúng tôi hi vọng bạn bè trong các lĩnh vực khác nhau ở Úc có thể bỏ qua tư tưởng “Anh thắng, tôi thua” và những thành kiến ý thức hệ.”

Tranh cãi về việc liệu Úc có nên hỗ trợ sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” cũng tương tự như sự ngần ngại của Canberra đối với việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á.

Năm 2014, Úc thoạt tiên quyết định không tham gia với ngân hàng đa phương do Trung Quốc dẫn đầu này, theo sự vận động của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng khi Anh và một số quốc gia phương Tây khác vượt rào và ký kết với AIIB, Canberra đã gia nhập.

Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, ông Geoff Raby, người đang điều hành một hãng tư vấn các doanh nghiệp Úc-Trung, cho biết: “Trong cộng đồng an ninh, quốc phòng ở Canberra có quan điểm rằng các sáng kiến như Ngân hàng AIIB và ‘Một Vành đai Một Con đường’ là một cách để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc mà Mỹ sẽ bị thiệt hại.’

Hồi tháng 3, Ấn Độ cũng đã loan báo phản đối sáng kiến này vì Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Paskintan đi qua Ấn Độ. Hành làng này vốn được Trung Quốc xây dựng để kết nối cảng Gwadar miền Tây Nam Pakistan với Tân Cương ở cận Tây Trung Quốc.

Theo FT/The Australian

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG