Đường dẫn truy cập

Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn phi đạn


Hệ thống THAAD được bố trí tại một sân gôn ở Seongju,Hàn Quốc, ngày 6/9/2017.
Hệ thống THAAD được bố trí tại một sân gôn ở Seongju,Hàn Quốc, ngày 6/9/2017.

Trung Quốc ngày 6/2 loan báo thử nghiệm thành công một hệ thống phòng vệ đánh chặn phi đạn trong lãnh thổ nước này. Loan báo được đưa ra giữa những căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên và việc phát triển quân sự của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một tuyên bố ngắn trên trang mạng cho hay vụ thử nghiệm ngày 5/2 đã đạt được “mục tiêu định trước,” nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Ngăn chặn phi đạn trên đường bay liên hệ đến việc hủy diệt một phi đạn đạn đạo khi phi đạn này đang bay trong không gian trước khi trở lại bầu khí quyển.

Bộ Quốc phòng nói việc thử nghiệm này có tính cách phòng vệ và không nhắm vào bất cứ quốc gia nào cả.

Trung Quốc là đối tác kinh tế và ngoại giao thân cận nhất của Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã chấp thuận những chế tài ngày càng khắc nghiệt của Liên hiệp quốc nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Dù có mối đe dọa này, nhưng Trung Quốc vẫn cực lực chống lại việc triển khai hệ thống phòng vệ chống phi đạn tối tân có tên là THAAD của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc và cho biết Trung Quốc sẽ có những biện pháp đáp trả.

Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện quân sự tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông dù các nước khác trong vùng cũng đòi chủ quyền chồng chéo nhau.

Trung Quốc cũng liên tục điều động các tàu thuyền của lực lượng tuần duyên vào vùng biển do Nhật Bản kiểm soát chung quanh những đảo không người ở tại Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.

Theo mô tả, cuộc thử nghiệm ngày 5/2 là thử nghiệm hệ thống SC-19 đã được dùng để bắn hạ một vệ tinh Trung Quốc vào năm 2007, ông Sam Roggeveen, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nói.

Tuy nhiên, vụ thử nghiệm này có thể không bao gồm việc ngăn chặn thực sự bằng việc dùng tên lửa hủy diệt phi đạn, nhưng có thể chỉ là việc thử nghiệm một bộ phận đẩy phi đạn, ông Roggeveen nói. Ông cũng cảnh báo chống lại những dự đoán là việc thử nghiệm nhằm vào Hoa Kỳ, thay vào đó, ông cho là nhắm vào các quốc gia khác trong vùng.

Ông Roggeveen nói “Hệ thống phi đạn này được thiết kế để ngăn chặn những phi đạn đạn đạo tầm trung, và Washington không triển khai loại này tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, cả Triều Tiên lẫn Ấn Độ đều có loại phi đạn này nên vụ thử nghiệm là nhằm vào những loại phi đạn đó.”

Ấn Độ, nước láng giềng có vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, tranh chấp về biên giới với Bắc Kinh với hậu quả là một cuộc đối đầu kéo dài một tuần lễ vào năm ngoái giữa lực lượng vũ trang hai bên. Hai nước cũng tranh chấp về ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.

Khả năng chế tạo độc lập các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và hệ thống phòng thủ phi đạn, là những yếu tố chính để Trung Quốc lớn mạnh trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu, ông Roggeveen nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG