Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tố cáo bị tàu Việt Nam đâm hơn 1.400 lần


Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, khoảng 210 km (130 dặm) ngoài khơi Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, khoảng 210 km (130 dặm) ngoài khơi Việt Nam.
Trung Quốc tố cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1416 lần gần khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan 981 trong vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/6 đăng bài viết cáo buộc Việt Nam gây hấn và khẳng định lập trường không thay đổi của Bắc Kinh trong việc bảo vệ giàn khoan và chủ quyền tại đây.

Bắc Kinh nói không lâu sau khi Bắc Kinh hạ giàn khoan tại khu vực, Việt Nam đã đưa nhiều tàu, kể cả tàu quân sự, tới đây để quấy nhiễu-tấn công tàu Trung Quốc và rằng có lúc có tới 63 tàu Việt đến gần địa điểm giàn khoan, đâm vào tàu của chính phủ Trung Quốc cả ngàn lần.

Ngược lại, Việt Nam khẳng định chỉ có hơn 30 tàu của cả lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tại thực địa, làm nhiệm vụ tuyên truyền thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tôi không thể tin vào con số Trung Quốc đưa ra là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc trên 1.400 lần. Thứ nhì, tàu cá lẫn tàu chấp pháp của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với các tàu của Việt Nam. Cho tới nay, tôi chưa từng thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào bằng hình ảnh video cho thấy tàu của phía Việt Nam tìm cách đâm húc tấn công tàu Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer, cuyên gia quốc tế về Biển Đông.
Việt Nam nhấn mạnh theo đuổi phương pháp đấu tranh ôn hòa, không đáp trả các hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc.

Giới chức Việt Nam nói các tàu chấp pháp của Việt Nam bỏ chạy mỗi khi bị Trung Quốc uy hiếp, xua đuổi để tránh va chạm hay xung đột. Dù vậy, theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư, hầu hết lực lượng tàu chấp pháp của Việt Nam tại thực địa đã bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Oai, nói với VOA Việt ngữ những tố cáo của phía Việt Nam đều dựa trên bằng chứng thực tế:

"Tất cả những hành động đâm va, quấy phá từ Trung Quốc, Việt Nam đều có bằng chứng cả. Ngược lại, Trung Quốc không có bằng chứng. Thứ hai, tàu cá Trung Quốc tổng công suất gấp 3,4 lần tàu cá Việt thì làm sao tàu cá Việt đâm tàu cá Trung Quốc được? Tàu cá Việt đều là vỏ mũ, không có vỏ sắt. Tàu cá Trung Quốc đều là tàu vỏ sắt. Đến nay, trong mấy tuần qua, hàng chục tàu cá Việt bị các lực lượng chấp pháp Trung Quốc xua đuổi , đâm va. Trong đó có một tàu bị đâm chìm và nhiều tàu khác hỏng hóc."

Cáo buộc ngược lại của phía Trung Quốc được đưa ra sau khi phía Việt Nam hôm 5/6 trưng bằng chứng video tố cáo tàu Trung Quốc húc chìm một tàu cá Việt.

Trước đó, Việt Nam đã từng đưa các bằng chứng bằng hình ảnh cáo giác tàu Trung Quốc tấn công các tàu Việt, kể cả tàu đánh cá lẫn tàu chấp pháp của nhà nước.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế được biết tiếng về vấn đề Biển Đông, nhận xét cáo giác của Trung Quốc không có cơ sở thuyết phục so với tố cáo của phía Việt Nam:

‘Trước tiên, tôi không thể tin vào con số Trung Quốc đưa ra là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc trên 1400 lần. Thứ nhì, tàu cá lẫn tàu chấp pháp của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với các tàu của Việt Nam. Cho tới nay, tôi chưa từng thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào bằng hình ảnh video cho thấy tàu của phía Việt Nam tìm cách đâm húc tấn công tàu của Trung Quốc. Theo tôi, đây là cách điển hình mà Trung Quốc sử dụng cuộc chiến thông tin để hoàn toàn lật ngược mọi chuyện. Số lượng tàu của Trung Quốc tại thực địa cũng nhiều hơn lực lượng tàu Việt Nam gấp nhiều lần. Tôi không thấy Việt Nam được lợi gì khi đâm đầu vào tàu Trung Quốc. Việt Nam không thể hy vọng đẩy lùi phía Trung Quốc bằng cách gây thương tích cho phía Trung Quốc. Thực tế cho thấy phía Việt Nam, để duy trì sự hiện diện của tàu họ ở đây, đã gặp nhiều khó khăn rồi. Nhìn vào bài viết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn của họ khi họ nêu lên các giải pháp có thể giải quyết vấn đề theo luật quốc tế, nhưng rốt cuộc họ lại nói rằng không điều nào sẽ được áp dụng vào trường hợp này vì Bắc Kinh sẽ không lùi bước dù một li.’
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:58 0:00
Tải xuống
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói dù các vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực chưa được vạch rõ nhưng các vùng biển này không bao giờ trở thành vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh muốn mối giao hảo với Hà Nội, nhưng có những nguyên tắc mà Trung Quốc không thể từ bỏ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói kênh thông tin liên lạc giữa giữa hai nước Việt-Trung đang mở ngõ.

Hôm 5/6, phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam dồn mọi nỗ lực để mở các cuộc đối thoại với Trung Quốc giải quyết căng thẳng, nhưng khi thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng Việt-Trung cũng như các nỗ lực không đi tới đâu.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng mọi chuyện bây giờ chỉ là bước đầu trong chính sách bất khoan nhượng của Trung Quốc trong vấn đề khẳng định chủ quyền tại khu vực.

Vẫn theo chuyên gia này, Việt Nam cần áp dụng những bước đi khôn ngoan để bảo vệ chủ quyền, tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc và huy động sự quan tâm và ủng hộ của quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG