Đường dẫn truy cập

Trump-Biden tranh cãi về NATO chia rẽ vai trò của Mỹ trên thế giới


Ảnh phối hợp Tổng thống Joe Biden, trái, và cựu Tổng thống Donald Trump.
Ảnh phối hợp Tổng thống Joe Biden, trái, và cựu Tổng thống Donald Trump.

Với việc cựu Tổng thống Donald Trump gia tăng tuyên bố rằng, nếu đắc cử, ông sẽ không bảo vệ các thành viên NATO nào không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng, và với gói tài trợ quân sự đang bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ, đang xuất hiện một sự chia rẽ rõ ràng về cách ông Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden cùng cử tri của họ xem vai trò của Mỹ trên thế giới.

Ông Biden, người đã coi việc tăng cường liên minh chống lại kẻ thù là nguyên lý trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình, ủng hộ hợp tác quốc tế nhiều hơn về tổng thể. Ông Trump, có khả năng là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, một lần nữa đang thúc đẩy khẩu hiệu chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ Trên Hết” của mình vốn đã tạo ra sự lo lắng giữa các đồng minh và đối tác trong thời gian ông nắm quyền.

Vấn đề là làm thế nào Washington có thể đáp ứng nguyên tắc phòng thủ tập thể theo Điều 5 của hiến chương NATO, trong đó yêu cầu các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài. Trong bài phát biểu tranh cử tuần trước, ông Trump khoe rằng với tư cách là tổng thống, ông từng cảnh báo một nhà lãnh đạo NATO rằng ông sẽ cho phép Nga làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các quốc gia thành viên của liên minh nào “không tuân thủ” việc phân bổ 2% tổng sản phẩm quốc nội cho chi tiêu quân sự.

Phát biểu này đã làm dấy lên lo lắng trong các đồng minh NATO khi họ ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên các đồng minh của ông Trump nói rằng những tuyên bố của ông Trump chỉ là lời nói trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, trong một sự kiện tranh cử khác vào tối 14/2, ông Trump nhắc lại câu chuyện, nói rằng: “Hãy nhìn xem, nếu họ không trả tiền, chúng tôi sẽ không bảo vệ. Đúng không?”

Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng Washington đang phải gánh chịu một phần gánh nặng không công bằng từ liên minh gồm 31 thành viên. Trong những tháng trước cuộc bầu cử vào năm 2016, ông liên tục đặt câu hỏi về mục đích và hiệu quả của NATO, gọi tổ chức này là “lỗi thời”.

Thúc đẩy Hạ viện thông qua gói viện trợ an ninh trị giá 95 tỷ đô la cho Ukraine, Israel và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Biden hôm 13/2 đã tố cáo những bình luận chỉ trích NATO của ông Trump là “đáng xấu hổ”, “nguy hiểm và gây sốc” và “không phải là nước Mỹ”.

Ông chỉ trích cách tiếp cận của người tiền nhiệm, chỉ ra rằng Điều 5 chỉ được viện dẫn một lần, sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhắm vào Mỹ, cho phép các đồng minh hỗ trợ chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan.

Ông Trump đang “cúi đầu trước một nhà độc tài Nga”, ông Biden nói, đồng thời thề rằng chính quyền của ông sẽ không từ bỏ “cam kết thiêng liêng” với liên minh.

Để bảo vệ những bình luận của ông Trump, ông Jason Miller, cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng ông Trump “đã thuyết phục các đồng minh của chúng tôi tăng chi tiêu cho NATO bằng cách yêu cầu họ trả tiền, nhưng ông Joe Biden lại quay lại để họ lợi dụng người thọ thuế Mỹ”.

Ông Miller nói trong một tuyên bố với VOA: “Khi bạn không trả chi phí quốc phòng, bạn không thể ngạc nhiên rằng bạn sẽ gặp thêm chiến tranh.”

Tòa Bạch Ốc lập luận rằng chính ông Biden mới là người xứng đáng được ghi nhận vì đã tăng số lượng đồng minh NATO đáp ứng ngưỡng phòng thủ 2%, từ 9 thành viên lên thành 18, kể từ khi ông trở thành tổng thống.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc hôm 14/2: “Chúng ta đã yêu cầu các nước NATO đẩy mạnh các kế hoạch khả thi để phòng thủ và răn đe ở phía đông và phía nam theo cách chưa từng làm trước đây”. “Và chúng ta có được sự đoàn kết trong liên minh NATO theo cách thực sự chưa từng có trong ký ức hiện đại.”

Sự phản đối từ những người trung thành với ông Trump

Gói tài trợ trị giá 95 tỷ đô la dành cho các đồng minh đã được Thượng viện thông qua hôm 13/2 nhưng hiện vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người trung thành với ông Trump tại Hạ viện, bao gồm cả Chủ tịch Mike Johnson.

Hơn một nửa số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa - bao gồm cả một số người có quan điểm diều hâu nhất trong chính sách đối ngoại của đảng - đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Một trong số họ, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, nói rằng ông Trump “kiên quyết chống lại” dự luật. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng của ông Trump rằng Hoa Kỳ nên thực hiện các gói tài trợ như “một khoản vay chứ không phải một món quà”.

Các đồng minh của ông Trump cũng đưa ra ý tưởng buộc các thành viên NATO phải trả tiền. Ông Keith Kellogg, một trung tướng đã nghỉ hưu và cựu chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump, đã đề nghị một “liên minh theo cấp độ” trong đó các thành viên không đạt được mục tiêu 2% về phòng thủ sẽ không còn được bảo vệ theo Điều 5 nữa.

Bà Kristine Berzina, giám đốc điều hành Geostrategy North tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall Đức, cho biết những tín hiệu như vậy từ ông Trump và các đồng minh của ông đã vượt xa chủ nghĩa biệt lập trong việc làm lung lay niềm tin của các đồng minh châu Âu. Chúng mâu thuẫn với “bản chất của sự răn đe” và mời gọi sự thù địch.

Cử tri Mỹ

Cho đến thời ông Trump, việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác chưa bao giờ là một yếu tố gây tranh cãi trong chính sách đối ngoại, bản thân điều này theo truyền thống không phải là vấn đề then chốt trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, với việc ông Trump chỉ trích NATO, vấn đề rộng lớn hơn về vai trò của Mỹ trên thế giới sẽ trở thành một sự chia rẽ khác trong cử tri.

Theo một cuộc thăm dò tháng 10 năm ngoái của Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu, chỉ 50% đảng viên Đảng Cộng hòa tin rằng Hoa Kỳ được hưởng lợi từ các liên minh xuyên Đại Tây Dương, so với 80% đảng viên Đảng Dân chủ và 63% đảng viên độc lập.

Ông Clifford Young, chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng tại Ipsos, một công ty nghiên cứu thăm dò ý kiến, cho biết vấn đề này đã bị ông Trump “chính trị hóa cao độ” để “ủng hộ nền tảng của mình”. Đối với ông Trump, “đó là việc phá vỡ các quy tắc và làm xáo trộn mọi thứ,” ông Young nói với VOA.

Trong số những người thuộc Đảng Cộng hòa, 40% những người được xác định là người ủng hộ ông Trump ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi 59% những người thuộc Đảng Cộng hòa không thuộc phe ông Trump ủng hộ viện trợ này, gần với mức 63% của công chúng nói chung.

Các tranh luận về NATO và sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ nóng lên khi chính quyền Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên minh vào tháng 7 tại Washington, chưa đầy một tuần trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, nơi ông Trump có thể sẽ chính thức được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng.

Hội nghị thượng đỉnh NATO nhằm kỷ niệm lần thứ 75 thành lập tổ chức và là dịp để chứng tỏ rằng “liên minh này lớn hơn, mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn bao giờ hết”, ông Sullivan nói trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels hồi đầu tháng này.

Thông điệp đó đang trên đà xung đột với “Nước Mỹ Trên Hết” của ông Trump.

Bà Berzina từ tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall Đức nói: “Hơn bất kỳ mùa tranh cử nào khác, chúng ta sẽ thấy chính sách đối ngoại và an ninh đóng một vai trò to lớn”. “Ông Trump đang phá vỡ hoàn toàn tính chính thống của Đảng Cộng hòa, không chỉ bằng chủ nghĩa biệt lập mà còn bằng việc chiều theo những kẻ chuyên quyền.”

Bà Berzina nói thêm, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ theo đường lối trung dung sẽ bỏ phiếu để nói rằng thông điệp của ông Trump không phù hợp với bản chất của nước Mỹ.

Diễn đàn

Liên quan

XS
SM
MD
LG