Đường dẫn truy cập

Trump – 100 Ngày Đầu: LHQ khốn khổ với đề xuất ngân sách Mỹ


TT Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh tái cấu trúc cơ quan hành pháp, ngày 13/3/2017.
TT Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh tái cấu trúc cơ quan hành pháp, ngày 13/3/2017.

Lại có tin không hay cho LHQ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng ông tìm cách cắt giảm 28 % ngân sách cấp cho ngành ngoại giao và viện trợ nước ngoài. Việc cắt giảm này bao gồm cả khoản trợ cấp chưa xác định cụ thể tài trợ cho LHQ và các cơ quan phụ thuộc. Phóng viên của đài VOA Margaret Besheer cho biết rằng những khoản đóng góp cho Liên hiệp quốc có thể bị cắt giảm vào lúc cơ quan quốc tế này đang phải khó khăn đương đầu với một số cuộc xung đột chưa có tiền lệ, giải quyết nạn đói và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

LHQ đã làm hết khả năng.

Ông Stephen O’Brien, Giám đốc Chương trình Cứu trợ Nhân đạo LHQ nói:

"Chúng tôi rơi vào thế khốn đốn chưa chừng có trong lịch sử. Ngay từ đầu năm, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi LHQ thành lập. Hiện nay hơn 20 triệu người trên khắp bốn quốc gia phải đối mặt với đói nghèo và nạn đói. Nếu không có nỗ lực tập thể và phối hợp toàn cầu, nhiều người sẽ chết đói ".

Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho LHQ, trong năm nay Mỹ đóng góp khoảng 611 triệu đôla cho ngân sách thường kỳ có tổng số hơn 2,5 tỷ đôla. Washington cũng đóng góp hơn 2 tỷ đô la mỗi năm để hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và thêm hàng trăm triệu đôla nữa cho các chương trình trọng yếu bao gồm Quỹ Nhi đồng LHQ và Chương trình Lương thực Thế giới.

VOA đã nói chuyện với ông Peter Yeo qua Skype, người đứng đầu chiến dịch Better World.

Ông Peter Yeo nói: "Chúng tôi phải trả 22% các hóa đơn của LHQ, nghĩa là các quốc gia khác phải trả 78%. Đó là một đóng góp lớn từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ. "​

Các quan chức và quan sát viên của LHQ đang lo lắng rằng các quốc gia khác sẽ không lấp đầy một lỗ hổng tài chánh, nếu Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể nguồn đóng góp cho tổ chức này.

Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của LHQ nói:

"Việc cắt giảm tài chính đột ngột có thể buộc Liên hiệp quốc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, điều này sẽ làm suy yếu hiệu quả của các nỗ lực cải cách lâu dài".

Ông Mick Mulvaney, Trưởng bộ phận ngân sách của Hoa Kỳ không biện hộ gì khi được hỏi rằng liệu ông có lo ngại khi một số người dễ bị tổn thương nhất thế giới có thể bị ảnh hưởng do việc cắt giảm ngân sách của Mỹ.

Ông Mick Mulvaney nói: "Chúng tôi chắc chắn cắt bớt ngân sách cho LHQ và nhiều chương trình viện trợ nước ngoài khác, bao gồm cả các chương trình do LHQ và các cơ quan khác điều hành. Điều đó sẽ gây bất ngờ cho những ai không theo dõi chiến dịch tranh cử. Tổng thống nói rất rõ đến cả hàng trăm lần là ông sẽ chi ít tiền hơn cho người nước ngoài và nhiều tiền hơn cho người ở trong nước. Và đó là chính xác những gì chúng tôi đang thực hiện với ngân sách này."

Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ xem chương trình phát triển quốc tế và viện trợ nhân đạo là nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước này. Ông Peter Yeo nói rằng các chương trình này cần được tiếp tục.

"Chúng ta cần duy trì các chương trình này, chúng ta cần phải duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu và chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta sẽ chia sẻ để đáp ứng nhu cầu nhân đạo hợp pháp của người dân trên toàn thế giới".

Ông Yeo tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ hiểu điều này và sẽ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và bền vững cho các chương trình trợ giúp nhân đạo.

VOA Express

XS
SM
MD
LG