Đường dẫn truy cập

Trò chuyện với tác giả cuốn sách 'Dạy Phụ nữ cách Câu cá'


Frances Alonzo, Hồng Hoa

Vòng lẩn quẩn nghèo đói rất khó phá vỡ, nhất là đối với phụ nữ. Trong chuyến đi thăm bốn quốc gia, bà Ritu Sharma, tác giả của cuốn sách “Teach a Woman to Fish” – tạm dịch “Dạy Phụ nữ cách Câu cá” - đã tận mắt chứng kiến rất nhiều sự vất vả mà phụ nữ phải đối mặt.

please wait

No media source currently available

0:00 0:07:03 0:00
Tải xuống

Trong số những nước mà bà Ritu Sharma đã đi qua, một trong những điều bà chú ý là số tiền mà phụ nữ có để chi tiêu hàng ngày. Tại Sri Lanka, một trong những nước mà bà Sharma đã dừng chân, bà đã gặp một bà mẹ chỉ có một đô la để chi tiêu mỗi ngày và phần lớn khoản tiền đó được dành cho cả nhà chứ không phải riêng cho bản thân bà:

“Ở Sri Lanka, người phụ nữ mà tôi ở cùng, Malaani, phần lớn trong khoản tiền một đô đó dành cho những thứ mà các con gái của cô cần để đi học. Mặc dù không phải đóng tiền học, nhưng bạn biết đây, riêng tiền đi xe bus chở các con tới trường và về nhà, tiền đồ dùng học tập, tiền đồng phục, đại loại như thế đã ngốn mất 50 cents rồi. Một phần khác dành để trả tiền điện. Và cuối cùng phần còn lại mới để mua đồ ăn thức uống. Gia đình thực sự không được ăn uống đầy đủ cho lắm. Họ ăn nhiều cơm, nhiều tinh bột, nhưng lại chẳng có mấy protein và rau. Không có tiền dành cho chăm sóc sức khoẻ, cho thuốc men. Không có tiền để cho bất cứ thứ gì khác ngoài những thứ quan trọng nhất.”

Theo bà Sharma, nguyên do chính gây ra cảnh nghèo đói cho phụ nữ ở Sri Lanka nằm ở hệ thống quản lý:

“Ở Sri Lanka, khi gặp một số phụ nữ ở khắp cả nước để hỏi về kinh nghiệm họ đã trải qua sau trận sóng thần, họ đã kể cho tôi nghe về tình cảnh khó khăn, chỉ để có tiền chi cho những chi tiêu cơ bản. Mặc dù họ sản xuất nhiều hơn, nhiều người trong số họ là thợ dệt và họ đang dệt và bán thêm rất nhiều sản phẩm, họ vẫn không thể theo kịp được những chi tiêu cơ bản. Và khi đó chúng tôi bắt đầu nói tới việc tại sao lại như vậy. Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy? Và họ, những người phụ nữ, có một sự phân tích rất rõ ràng về tình hình hiện tại. Đó là việc chính phủ tăng thuế liên tục vào những thực phẩm cơ bản như đường, trà, cà phê, bánh mì, gạo, để gây quỹ cho công tác tái thiết sau sóng thần. Và những khoản thuế đó đã tước hết khả năng thu nhập của phụ nữ.”

Ngoài thuế khoá, một nguyên do nữa khiến phụ nữ không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói là bạo lực. Bà Sharma cho biết:

“Bạo lực đã trở thành một phần thực là to lớn trong cuộc sống của phụ nữ ở đó. Bạo lực là một cách để cưỡng ép cách suy nghĩ của người phụ nữ, rằng 'chớ nên ra khỏi nhà.' Phụ nữ không thể kiếm được những công việc được trả lương cao hơn bởi vì họ phải ở nhà. Và nếu họ bắt đầu mon men bước ra ngoài những giới hạn đó, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.”

Những hậu quả mà phụ nữ phải gánh chịu phát xuất từ chính những người đàn ông trong gia đình, những người được xã hội cho là trụ cột trong gia đình:

“Bạo lực phát xuất từ những người đàn ông trong gia đình, từ cha, từ chồng, từ chú. Tất cả họ đều cố gắng để giữ phụ nữ ở nguyên tại vị trí cho phép. Một vấn đề lớn khác đó là sự phân biệt đối xử trắng trợn. Khi có những công việc tốt, thì chúng chỉ lọt vào tay những người đàn ông vì người ta vẫn cho rằng đàn ông là những người đi kiếm tiền. Nhưng trong thực tế, chính thu nhập của phụ nữ mới là nguồn chính trang trải cho những chi tiêu của gia đình. Trên khắp thế giới, phụ nữ đầu tư khoảng 90 phần trăm thu nhập của họ vào nhu cầu của gia đình. Còn với đàn ông, thì còn tuỳ. Đâu đó khoảng 30 đến 50 phần trăm thu nhập của họ sẽ chi tiêu vào gia đình. Chính vì thế mà thu nhập của phụ nữ là rất quan trọng nhưng họ lại không thể kiếm được những công việc tốt hơn, điểm chính là thế.”

Trong cuốn sách “Teach a Woman to Fish” – “Dạy Phụ nữ Câu cá,” có đoạn nhắc tới một câu châm ngôn cổ rằng “Đưa một người đàn ông một con cá, anh ta có thể ăn trong một ngày, dạy người đàn ông câu cá, anh ta có thể ăn nó cả đời. Nhưng dạy một người phụ nữ cách câu cá, tất cả mọi người có thể ăn suốt cả đời.” Giải thích lý do đưa câu nói này vào cuốn sách của mình, bà Sharma nói:

“Phụ nữ có xu hướng biết ‘câu cá’ và đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Nhưng khi nói đến ‘câu cá,’ tôi không chỉ muốn nói đến thu nhập, một sự gia tăng từ một đến hai, ba đô la một ngày. Điều mà tôi thực sự muốn nhắm tới của việc câu cá đó là khả năng tham gia với thế giới và tạo ra một sự thay đổi. Đó là việc tham gia vào chính trị địa phương, tham gia và thay đổi cách đàn ông nghĩ về điều gì phụ nữ có thể và không thể làm. Vì thế, khi tôi nói ‘câu cá,’ tôi không chỉ có ý là những thứ cơ bản như là câu con cá kia đi hay bỏ ra một đô la và chia sẻ nó với mọi người, mà tôi còn muốn nói tới khả năng và phương tiện có thể được sử dụng để có thể giúp hoàn cảnh sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.”

Bà Judithe Registre, giám đốc điều hành chiến dịch Because I am a Girl, (trái) đi thăm cộng đồng Nepal
Bà Judithe Registre, giám đốc điều hành chiến dịch Because I am a Girl, (trái) đi thăm cộng đồng Nepal

Cùng quan điểm về tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong cộng đồng của bà Sharma, một chiến dịch toàn cầu mang tên ‘Because I am a Girl’ theo đuổi mục tiêu “Hãy đầu tư vào một bé gái và cô ấy sẽ thay đổi cả thế giới.”

Chiến dịch này được thực hiện ở 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam, kéo dài từ năm 2012 đến năm 2016 do tổ chức Plan International phát động.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ trước đây, bà Judithe Registre, giám đốc điều hành chiến dịch toàn cầu ‘Because I am a Girl’ cho biết riêng tại Việt Nam, sau khi làm việc với với Hiệp hội Phụ nữ Việt Nam và tiếp xúc với các lãnh đạo của một số khu cộng đồng nghèo, tổ chức Plan nhận định được rằng việc tiếp cận với tài chính hay có sự hiểu biết cơ bản về tài chính là vấn đề chủ chốt gây khó khăn đối với phụ nữ ở đây. Do đó, tổ chức Plan đã bắt đầu một dự án tài chính vi mô tại Việt Nam vào năm 2007 dưới dạng thử nghiệm. Và với sự đóng góp ý kiến từ người dân địa phương, dự án đã được hoàn chỉnh như hiện nay với tên gọi Plan’s Village Savings and Loan (tạm dịch: Dự án Tiết kiệm và Cho vay của Plan.) Dự án này tạo ra các nhóm tiết kiệm ở các khu vực nông thôn nghèo ở Việt Nam, nhằm giúp đỡ những bé gái và những phụ nữ trẻ một nền tảng để quản lý tiền bạc và chuẩn bị cho tương lai. Giờ đây, số lượng các em gái ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam được đi học đã tăng lên và phụ huynh thì có cơ hội cải thiện thu nhập của họ để trả tiền học phí, đồng phục cho con của họ tới trường.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG