Đường dẫn truy cập

TQ-Vatican đàm phán, Đài Loan sợ mất một đồng minh thiết yếu


Một cuộc hội thảo ở Hồng Kông về mối quan hệ giữa Trung Quốc và điện Vatican.
Một cuộc hội thảo ở Hồng Kông về mối quan hệ giữa Trung Quốc và điện Vatican.

Trung Quốc và điện Vatican đã mở đàm phán trong mấy tháng gần đây hướng tới việc nối lại các quan hệ sau hơn 60 năm bang giao bị cắt đứt. Theo các nhà phân tích nếu điều đó xảy ra, thì có khả năng Vatican sẽ cắt đứt quan hệ với Đài Loan, và đây là một đòn giáng mạnh đối với các nỗ lực của Đài Loan để được quốc tế công nhận.

Tháng trước quan chức phụ trách vấn đề tôn giáo của chính phủ Trung Quốc nói tại một hội nghị của Giáo Hội Công giáo ‘quốc doanh’, rằng ông hy vọng Toà thánh Vatican sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh bằng cách thích ứng với xã hội Trung Quốc. Bắc Kinh và Điện Vatican tranh chấp về việc bên nào có quyền tấn phong các giám mục.

Việc điện Vatican công nhận Đài Loan đã giúp chính quyền đảo quốc này chứng minh với các nước khác rằng không như Trung Quốc, họ tôn trọng tự do tôn giáo, và có một người bạn kiên cường ở châu Âu mà Trung Quốc không thể mua chuộc. Ngoài Vatican, Đài Loan còn có 20 đồng minh ngoại giao khác, đều là các quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Nam Thái Bình Dương. Các nước này tìm đến Đài Loan để được cấp viện trợ phát triển.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc, chứ không phải là một nước có chủ quyền và có các quan hệ đối ngoại.

Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Wu Chung-li thuộc trường đại học Academia Sinica ở Đài Bắc, nhận định:

"Là một quốc gia nhỏ bé, chúng tôi phải xây dựng các mối quan hệ ngoại giao chính thức với một số nước, đó là bằng chứng cho thấy Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền. Tôi cho rằng Vatican là một nước nhỏ bé nhưng có tầm quan trọng lớn lao về mặt chính trị, mang tính cách biểu tượng đối với Đài Loan, "

Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Vatican vào năm 1951, 2 năm sau khi cộng sản chiến thắng trong một cuộc nội chiến, buộc các thành viên Quốc Dân đảng chạy sang Đài Loan để lập một chính quyền riêng rẽ.

Kể từ đó, Trung Quốc đóng cửa các nhà thờ, nhiều linh mục bị tống giam. Giáo dân Công giáo được phép thờ phượng với các giáo hội được nhà nước cho phép hoạt động, không chịu sự giám sát của Toà Thánh. Trong số ước lượng 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, khoảng một phần ba là thuộc các giáo hội chui.

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô được miêu tả ở Đài Loan là người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng phải đối mặt với vấn đề công nhận Đài Loan.

Các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và điện Vatican trong năm ngoái về phần lớn tập trung vào liệu bên nào được quyền tấn phong các vị giám mục. Lên tiếng tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm thứ bảy, Phó Tổng thống Đài Loan Chen Chien-jen nói.

"Tôi tin rằng mối quan hệ với Đài Loan đang tiếp tục phát triển ổn định. Về các cuộc đàm phán Vatican-Trung Quốc, chúng tôi nghĩ đàm phán là rất quan trọng đối với giáo dân Công giáo ở Hoa Lục, bởi vì bất cứ ai là người Công giáo đều muốn được Vatican ban phước lành."

Các quan hệ giữa Đài Loan với Toà Thánh Vatican đã giúp Đài Loan duy trì sự hiện diện trên trường quốc tế, chẳng hạn như khi Tổng thống Đài Loan được dự đám tang của các vị giáo hoàng, theo ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tam Kang (Đạm Giang) ở Đài Loan. Sự công nhận của Toà Thánh Vatican cũng giúp đảo quốc này chứng tỏ là được một thế lực đạo đức hậu thuẫn.

Liên minh với Vatican cũng có thể giúp Đài Loan duy trì sự công nhận của 6 quốc gia Mỹ Latinh theo Công giáo, theo lời ông Wu. Nếu không có Vatican, các chính quyền này có thể cảm thấy không bị ràng buộc và có thể bỏ Đài Loan để công nhận Trung Quốc. Trung Quốc có quan hệ ngoại giao với 170 nước, các nước này không được công nhận Đài Loan nếu muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc.

Nếu Vatican quay lưng với Đài Loan để xoay sang Trung Quốc thì đây sẽ là một thất bại lớn đối với Tổng Thống Thái Anh Văn vì không duy trì được một mối quan hệ ngoại giao đặc biệt, theo ông Alex Chiang, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia ở Đài Bắc. Điều này, theo ông, sẽ đánh đi một tín hiệu rằng có lẽ bà Thái Anh Văn nên tìm một phương thức để đàm phán với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG