Đường dẫn truy cập

TT Trump ký luật: 29/3, ngày Cựu Binh Chiến Tranh Việt Nam


Cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Jack Frey thuộc thị trấn Millersville, Pennsylvania tưởng tiệm các chiến sĩ hy sinh tại National Vietnam Veterans ngày 11/11/2014.
Cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Jack Frey thuộc thị trấn Millersville, Pennsylvania tưởng tiệm các chiến sĩ hy sinh tại National Vietnam Veterans ngày 11/11/2014.

Tòa Bạch Ốc cho biết sau khi ký ban hành luật Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng:

please wait

No media source currently available

0:00 0:07:36 0:00


“Tối nay tôi rất tự hào ký dự luật 305 thành luật khuyến khích treo cờ Mỹ nhân Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam vào ngày 29/3.”

Ngày thứ Tư 29 tháng 3 vừa qua đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.

Cách đây 44 năm, vào ngày 29 tháng 3 năm 1973, binh sĩ Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất về Mỹ trước sự chứng kiến của đại diện cộng sản Bắc Việt và Việt cộng để thi hành Hiệp định Paris được ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Chương trình tin tức của đài truyền hình FOX trích lời Tổng thống Richard Nixon thời bấy giờ tuyên bố: “Ngày chúng ta nỗ lực làm việc và cầu nguyện cuối cùng đã đến.”

Nhiều cựu chiến binh Mỹ trở về nước bị đối xử tàn tệ vì có nhiều người chống đối chiến tranh Việt Nam và đổ lỗi cho cuộc chiến này đã gây ra tình hình bi thảm cho binh sĩ Mỹ tại Việt Nam.

Tuy nhiên 44 năm sau, giờ đây các cựu chiến binh đã được nước Mỹ chính thức công nhận về những hy sinh phục vụ đất nước của họ. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng của Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Donnelly, tiểu bang Indiana, và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey, tiểu bang Pennsylvania, đồng tác giả dự luật S.305.

Thượng nghị sĩ Donnelli viết về dự luật này như sau:

“Vào cuối cuộc chiến, nhiều cựu chiến binh của chúng ta không nhận được sự chào đón khi họ trở về hay được công nhận về những hy sinh mất mát họ đáng được hưởng. Dự luật lưỡng đảng này sẽ giúp cho đất nước chúng ta vinh danh thế hệ cựu chiến binh này, những người đã dạy chúng ta về lòng yêu nước và phục vụ, những người đáng được tôn vinh về sự quên mình và hy sinh. Tôi hân hạnh được làm việc với Thượng nghị sĩ Toomey để cổ vũ cho Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam.”

Theo Nghị hội Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang, có khoảng 45 tiểu bang và Puerto Rico công nhận Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam hàng năm hay vào một năm nhất định, vào ngày 29 hay 30 tháng 3. Ngày 30 tháng 3 được tiểu bang Ohio chọn là ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị hội nhận định “Ngày 29 tháng 3 được xem là một ngày thích ứng. Vào ngày này năm 1973, những toán binh sĩ Mỹ chiến đấu cuối cùng rút khỏi Việt Nam và các tù binh Mỹ bị giam tại Bắc Việt Nam đến đất Mỹ. Đó cũng là ngày Tổng thống Richard Nixon chọn làm ngày kỷ niệm Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam đầu tiên vào năm 1974.”

Ông Ray Saikus, một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam cư ngụ tại Pepper Pike, một thành phố thuộc quận Cuyahoga, tiểu bang Ohio, đã vận động suốt 6 năm để lấy ngày 29 tháng 3 là Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam. Ông chống lại ngày 30 tháng 3 vì ngày này trùng hợp với cuộc tấn công vào dịp Lễ Phục sinh năm 1972 của Cộng sản Bắc Việt giữa lúc những cuộc hòa đàm Paris đang tiến hành.

Ông Đinh Hùng Cường, Cựu Thiếu tá, Quận trưởng Quận Thủ Thừa Tỉnh Long An, hiện là chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C-Maryland-Virginia nhận xét:

“Trong cuộc chiến Việt Nam đó người Mỹ vì lý tưởng tự do bảo vệ miền Nam họ đã hy sinh 58.000 người chết và hơn 300.000 người bị thương. Hy sinh này quá to lớn đối với nước Mỹ nhưng chúng ta đã bị truyền thông của Mỹ làm sai lạc cuộc chiến đấu chính nghĩa của người Mỹ và quốc hội Hoa Kỳ lúc đó đã nhìn sai cuộc chiến, đã không yểm trợ cho cựu chiến binh Mỹ khi trở về do đó họ đã bị hắt hủi, sự hy sinh của họ không được đền đáp. Tuy nhiên vào năm 1981 khi ông Reagan lên làm Tổng thống ông đã nói là danh dự những người cựu chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu cho tự do phải được phục hồi. Đó là một điều rất nên làm bởi vì sự hy sinh nào cũng là sự hy sinh cao cả, nhất là sau 42 năm cộng sản chiếm đóng miền nam chúng ta càng thấy chính nghĩa của người Mỹ yểm trợ cho Việt Nam đúng vì cộng sản đã tàn hại những người Việt Nam miền Nam và bây giờ cả miền Bắc nữa, không có tự do, không có dân chủ, không có nhân quyền. Sự cai trị độc tài của cộng sản càng nói lên chính nghĩa của Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam. Việc làm của ông Trump rất đáng ca ngợi. Là một người từng chiến đấu bên cạnh những người Mỹ, chúng tôi cũng hãnh diện khi họ được phục hồi danh dự.”

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, cho rằng việc ông Trump ban hành luật công nhận những đóng góp và hy sinh của cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cũng là một cách công nhận công lao các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa:

“Đây là một sự công nhận chậm trễ nhưng rất cần thiết đối với những người Mỹ đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến để bảo vệ cho lý tưởng tự do, cũng như những lý tưởng của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong cuộc chiến Việt Nam. Tổng thống Trump đã phục hồi danh dự cho những người đã tham chiến ở Việt Nam. Thành ra qua việc công nhận ngày cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam thì cũng là một sự công nhận chính danh, chính nghĩa của những người bạn đồng minh của Hoa Kỳ là quân đội Việt Nam Cộng hòa và miền Nam Việt Nam trước đây.”

Vào năm 1988, trong bài diễn văn đọc nhân dịp khánh thành Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) ngày 11 tháng 11 năm 1988 ở Washington D.C, Tổng thống Reagan nói: “Sau hơn một thập niên các thuyền nhân tuyệt vọng, sau những cánh đồng chết tại Kampuchia, và sau tất cả những gì xảy ra tại phần đất đau khổ này trên thế giới, còn ai có thể nghi ngờ gì về cuộc chiến đấu chính nghĩa của người lính của chúng ta?”

Tổng thống Regan nói tiếp, “Hiện nay vào lúc nhiệm kỳ của tôi sắp chấm dứt, tôi đang thấy các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của chúng ta có được chỗ đứng trong số các anh hùng của nước Mỹ, dường như đối với tôi vết thương về chiến tranh Việt Nam của chúng ta đã lành. Và điều gì tôi có thể nói với các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của chúng ta hơn là: Hân hoan chào đón các bạn trở về.”

Ông Jim một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam hiện sống bằng nghề bán các loại mũ nón lưu niệm tại ga xe điện ngầm Federal Center gần trụ sở Quốc hội Mỹ vui mừng khi nghe tin nước Mỹ đã chính thức công nhận ngày 29 tháng 3 hàng năm là Ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam.

Ông nói:

“Thật là một việc lớn lao khi Tổng thống Trump công nhận các cựu chiến binh và lấy ngày 29 tháng 3 là ngày quốc gia công nhận các cựu chiến binh Việt Nam còn sống sau cuộc chiến. Xin Chúa ban phước cho nước Mỹ và xin Chúa ban phước cho các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam.”

Trong số 2,7 triệu binh sĩ Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có hơn 58.000 binh sĩ đã hy sinh và hơn 300.000 người bị thương theo báo Military Times. Ngoài ra, theo ước tính của Viện Smithsonian, có khoảng 271.000 cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam có thể mắc chứng hậu chấn tâm lý sau cuộc chiến này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG