Đường dẫn truy cập

'Tôn giáo có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ'


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết vai trò của tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Mỹ là vô cùng quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng được hiểu rõ. Thứ ba vừa qua, ông Kerry đã trình bày quan điểm của ông về sự liên hệ giữa tôn giáo với các hoạt động ngoại giao trong bài diễn thuyết tại Đại học Rice ở tiểu bang Texas. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Ngoại trưởng Kerry cho rằng trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định ranh giới chính trị và kinh tế trên thế giới và sẽ tiếp tục nắm giữ một vai trò như vậy.

"Tôn giáo ngày nay vẫn hết sức quan trọng - nó ảnh hưởng tới giá trị, hành động, lựa chọn và thế giới quan của mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội trên mọi châu lục, và ở quốc gia này cũng vậy. Nó là một phần của những thứ thúc đẩy một số người phát động chiến tranh, thúc đẩy những người khác theo đuổi hoà bình, thúc đẩy một số người ra sức tổ chức để thay đổi, thúc đẩy những người khác bám giữ một cách tuyệt vọng vào những cách làm việc xưa cũ, chống lại hiện đại; thúc đẩy một số người khác hăng hái vượt qua những biên giới của quốc gia và tín ngưỡng, và thúc đẩy những người khác dựng lên những bức tường mỗi lúc một cao để ngăn cách nhóm này với nhóm khác."

Không lâu sau khi lên giữ chức ngoại trưởng vào năm 2013, ông Kerry đã lập ra Văn phòng Tôn giáo và Sự vụ Toàn cầu của Bộ Ngoại giao, trong khuôn khổ của một sáng kiến của chính quyền Obama nhằm khuyến khích sự hợp tác liên tôn giáo để tìm cách giải quyết một số những vấn đề quan trọng.

"Thí dụ, năm ngoái chúng tôi đã đồng tổ chức một cuộc hội thảo cho các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Nigeria. Chủ đề là một vấn đề vừa có tính chất đạo đức vừa có tính chất thực tế: đó là vấn đề tham nhũng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo quan tâm rất nhiều tới tác động của tham nhũng đối với đất nước và cộng đồng của họ, nhưng họ hiểu rằng việc ứng phó với một thách thức to lớn như vậy không phải là dễ dàng. Như một tham dự viên đã nhận xét, “khi chúng ta chống tham nhũng, tham nhũng sẽ chống lại. Cho nên họ đã đưa ra một kế hoạch hành động để thúc đẩy cho sự cải cách ở mọi cấp, để dạy cho dân chúng biết cách phanh phui những vụ tham nhũng, và để đưa ra một thông điệp từ bục giảng của chính họ là tham nhũng không phải là một phần không thể tách rời của cuộc sống con người mà là một một sự xâm hại và cần phải được ngăn chận."

Ngoại trưởng Kerry cho biết một mục tiêu quan trọng khác của những nỗ lực của chính phủ Mỹ là bảo vệ các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số đang đối mặt với sự áp bức trên khắp thế giới. Ông gọi đó là 'một phép thử cơ bản của chính nền văn minh'.”

"Chúng tôi nghĩ rằng mọi người nên được tự do lựa chọn tín ngưỡng, thay đổi tín ngưỡng, thực hành tín ngưỡng, và nói về tín ngưỡng và rao giảng tín ngưỡng của mình mà không phải sợ hãi hay bị hăm doạ. Và quyền tự do tôn giáo và bản sắc sắc tộc này không hề tuỳ thuộc vào các con số. Những tôn giáo thiểu số cũng có các quyền giống hệt những nhóm tôn giáo đa số."

Ông Kerry nói thêm rằng những tổ chức cực đoan -- như Nhà nước Hồi giáo, đã lợi dụng vỏ bọc của tôn giáo để thực hiện những hành vi tàn ác, kể cả những vụ diệt chủng nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số.

VOA Express

XS
SM
MD
LG