Đường dẫn truy cập

Tòa Hiến pháp Thái sắp ra phán quyết về cuộc tổng tuyển cử


Thủ tướng Yingluck Shinawatra rời khỏi trụ sở Không quân Thái Lan sau một cuộc họp nội các tại Bangkok.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra rời khỏi trụ sở Không quân Thái Lan sau một cuộc họp nội các tại Bangkok.
Tòa Hiến pháp Thái Lan theo dự kiến ngày mai sẽ ra phán quyết về tính hợp lệ của cuộc tổng tuyển cử quốc gia hôm 2/2 vừa qua. Quyết định này sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị nhiều tháng nay bao phủ đất nước này. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, tòa có thể sẽ vô hiệu hóa cuộc bầu cử mở đường cho cuộc bầu cử mới hoặc cho phép cuộc bầu cử hiện chưa hoàn tất tiến tới, hướng đến việc hình thành một quốc hội mới.

Đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra, cuộc tổng tuyển cử hôm 2/2 là nhằm thoát khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tuy nhiên, người biểu tình chống chính phủ đã cản trở cuộc bỏ phiếu tại nhiều nơi trong thủ đô và khu vực miền Nam, ngăn không cho đạt được số ghế tối thiểu ở Quốc hội cần thiết để hình thành một chính phủ. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được quyết định bởi Tòa Hiến pháp vào ngày mai.

Đảng Dân chủ đối lập nộp thỉnh nguyện thư lên tòa cáo buộc nhà nước đã không hình thành được một chính phủ trong khung thời hạn 30 ngày như hiến pháp quy định.

Tòa sẽ quyết định xem sẽ vô hiệu hóa cuộc bầu cử và tổ chức cuộc bầu cử mới, hoặc cho phép bỏ phiếu tại gần 70 khu vực bầu cử đang bị những người biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn.

Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị và phát ngôn nhân dưới một chính phủ do Đảng Dân chủ lãnh đạo, nói phán quyết của tòa sẽ tác động tới bầu không khí chính trị mong manh của Thái:

“Bất cứ đường nào đi nữa nó cũng ảnh hưởng tới sự ổn định của tình hình hiện nay, nhưng dĩ nhiên điều này phụ thuộc vào phản ứng của các phe nhóm khác nhau đối với quyết định của tòa. Có thể nói tình hình thậm chí sẽ dễ thay đổi hơn nữa, có thể sẽ tiến tới hoặc thụt lùi, tùy thuộc vào phán quýêt này.”

Cuộc chiến dành uy thế chính trị ở Thái đã đưa Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck cùng những người ủng hộ tập trung chủ yếu ở miền Bắc đất nước đọ sức với Đảng Dân Chủ đối lập với thành phần ủng hộ chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và các khu vực thị thành của Bangkok.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ khơi mào sau khi chính phủ thông qua dự luật ân xá quy mô rộng hồi tháng 11 dường như có lợi cho anh trai của Thủ tướng Yingluck là ông Thaksin Shinawatra. Cựu Thủ tướng Thái hiện vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với chính trị Thái, nhưng đang sống lưu vong để tránh một án tù về tội tham nhũng.

Nhiều tháng biểu tình dẫn đầu bởi Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân PDRC và một nhân vật từng là nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ đã đưa tới các cuộc đụng độ đẫm máu với cảnh sát khiến hơn 20 người thiệt mạng. Thế nhưng các cuộc biểu tình đã lắng xuống sau khi không áp lực được Thủ tướng Yingluck phải từ chức.

Bà Yingluck cũng đối mặt với cuộc điều tra về kế hoạch trị giá nhiều tỷ đôla có liên quan đến gạo và các khó khăn pháp lý từ dự luật chi tiêu 70 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng mà gần đây tòa đã bác bỏ vì không có sự giám sát của quốc hội.

Các thành viên điều hành đảng Pheu Thai và những người ủng hộ tố cáo tòa vượt quá quyền hạn và các tổ chức độc lập có thành kiến chống lại chính phủ.

Ông Prasaeng Mongonsiri, một cố vấn chính trị của Đảng Lực lượng Dân chủ và cũng là một cựu ủng hộ viên của Đảng Pheu Thai, cho rằng tòa án và các định chế được các yếu tố bảo thủ của xã hội Thái hậu thuẫn.

Ông Prasaeng dự kiến Tòa Hiến pháp sẽ vô hiệu hóa cuộc bầu cử cùng với các phán quyết gây thêm phương hại cho đảng đương quyền.

Các phán quyết này có thể làm bùng lên căng thẳng chính trị giữa lúc Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài bổ nhiệm ông Jatuporn Promphan làm tân lãnh đạo. Ông Jatuporn nói ông sẽ có lập trường cứng rắn hơn chống lại phong trào chống chính phủ.

Giới chức từ một số cơ quan độc lập và tòa án cũng phàn nàn về việc nhận được các lời đe dọa tính mạng. Trong những ngày gần đây ở Bangkok xuất hiện một số lựu đạn cầm tay giả tại các văn phòng trong khi tư gia của các lãnh đạo cả hai phe thân và chống chính phủ bị những kẻ tấn công không rõ lai lịch nã súng.

Ông Gotham Arya, một nhà hoạt động nhân quyền và giảng viên tại đại học Mahidol cho rằng dù Đảng Pheu Thai có thể chỉ trích phán quyết của Tòa Hiến pháp vào ngày mai nhưng họ phải tuân thủ quyết định đó.

Các nhà phân tích nhìn thấy nguy cơ căng thẳng chính trị dâng cao trong những ngày sắp tới vào lúc một số tòa án đưa ra các phán quyết dường như chống lại chính phủ. Tuy nhiên, người ủng hộ của cả hai phe thân và chống chính phủ tin rằng một cuộc tổng tuyển cử mới và hình thành một quốc hội mới theo quy định Hiến pháp sẽ giúp Thái giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG