Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Nhật thăm Trân Châu Cảng, nhưng sẽ không xin lỗi


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tham dự lễ duyệt binh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở căn cứ Asaka, Nhật Bản, 23/10/2016.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tham dự lễ duyệt binh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở căn cứ Asaka, Nhật Bản, 23/10/2016.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần tới sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để hoá giải những mối oán hận về quá khứ quân phiệt của nước ông với chuyến đi thăm Đài tưởng niệm trận Trân Châu Cảng ở Hawaii. Cuộc đột kích bất ngờ của Nhật Bản tấn công một căn cứ hải quân của Mỹ vào năm 1941 ở đây đã giết chết 2000 người Mỹ, và lôi kéo Hoa Kỳ vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Sau khi gây phẫn nộ cho các nước láng giềng vào năm 2013 khi ông đến thăm đền Yasukuni vinh danh các chiến sĩ trận vong Nhật, trong đó có một số tội phạm chiến tranh, Thủ tướng Abe có lập trường bảo thủ đã đóng một vai trò chủ động để giải quyết những quan ngại về nỗ lực của ông nhằm diễn giải lại lịch sử chiến tranh của nước ông với một thái độ bớt tự ti hơn, hầu có thể dọn đường nhằm cởi bỏ những hạn chế do hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản áp đặt.

Ông Grant Newsham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo nhận định:

“Thủ tướng Abe đã hoàn tất nhiệm vụ ấy một cách thành công trong hai năm qua, khi ông không phát biểu ồn ào hay nêu lên các quan điểm riêng về lịch sử cận đại của khu vực, đặc biệt có liên quan tới Thế chiến thứ Hai.”

Ông Abe được coi như một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường xét lại, theo đó hình ảnh của Nhật Bản không được coi như một đế quốc gây chiến trong Thế chiến thứ Hai, mà là một quốc gia tìm cách đẩy lùi sự thống trị của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu ở Châu Á.

Giám đốc Ban Á Châu học tại đại học Temple ở Tokyo Jeff Kingston nói rằng, theo lối diễn giải của thành phần xét lại do ông Abe dẫn đầu thì Nhật Bản là nạn nhân của những kẻ thắng cuộc, và lịch sử do bên thắng cuộc viết lại đã đặt ra nhiều nghi vấn về Nhật Bản và phương hại tới uy tin của nước này.

Vấn đề An uỷ phụ

Những phát biểu của ông Abe và những người ủng hộ ông cố tình làm giảm nhẹ hoặc bỏ qua những hành động tàn bạo của Nhật Bản đã gây phẫn nộ ở Trung Quốc, nơi ước lượng 20 triệu người đã chết trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản trong những năm của thập niên 1930 và 1940, và tại Hàn Quốc, nước bị Nhật cai trị như một thuộc địa từ năm 1910 tới năm 1945.

Liên quan tới ước lượng 200.000 “an uỷ phụ” tại Châu Á bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật thời đội quân Nhật Hoàng còn chiếm đóng các nước ở Châu Á và trong thời Thế chiến thứ Hai, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dùng những từ ngữ mơ hồ để bày tỏ hối tiếc trong khi không nhận trách nhiệm về những hành động vi phạm nhân phẩm phụ nữ trong quá khứ.

Một số người ủng hộ ông Abe đã gây phẫn nộ khắp Châu Á với những tuyên bố như “nhiều an uỷ phụ” không bị cưỡng bức mà tình nguyện làm gái mãi dâm để làm tiền.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye trước đây đã từ chối, không họp song phương với Thủ tướng Abe cho tới khi nào ông thành tâm xin lỗi và bồi thường thích đáng cho các nạn nhân.

Trong khi Washington tăng sức ép để ông Abe giải quyết vấn đề gây nhiều tranh cãi này, Tokyo và Seoul đã ráo riết thương thuyết suốt nhiều tháng để tìm một giải pháp khả dĩ thoả mãn được Hàn Quốc, nhưng đồng thời không gây quá nhiều bất bình nơi thành phần dân tộc chủ nghĩa Nhật.

Tháng 12 năm ngoái, hai bên đạt được một thoả thuận. Ông Shinzo Abe công bố một văn kiện, đưa ra “những lời xin lỗi thành thực nhất, và bày tỏ niềm hối hận đối với tất cả những phụ nữ đã phải trải qua những trải nghiệm đau đớn, để lại những vết thương không thể xoá bỏ về mặt thể chất và tâm lý”. Tokyo cũng đồng ý đóng góp hơn 8 triệu đôla vào một quỹ Hàn Quốc để hỗ trợ các an uỷ phụ còn sống sót.

Đổi lại, Hàn Quốc nối lại hợp tác song phương với Nhật Bản, và cả hai bên đồng ý rằng cách giải quyết đó là “giải pháp cuối cùng và không thể bị lật ngược.”

Sinh viên cầm di ảnh của các "an uỷ phụ" Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình chống Nhật trước Đại sứ quán Nhật tại Seoul, Hàn Quốc, 30/12/2015.
Sinh viên cầm di ảnh của các "an uỷ phụ" Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình chống Nhật trước Đại sứ quán Nhật tại Seoul, Hàn Quốc, 30/12/2015.

Nước Nga

Thủ tướng Nhật Bản không đạt được thành công tương tự trong các cuộc thương thuyết với Nga để nước này trao lại quần đảo Kuril trong vùng biển Tây Thái Bình Dương, bị các lực lượng Xô-viết chiếm đóng vào cuối cuộc thế chiến, buộc 17.000 cư dân Nhật Bản phải rời khỏi quần đảo này.

Hai nước không đạt được đồng thuận để đi tới một hoà ước thời hậu chiến vì cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn liên quan tới chủ quyền quần đảo Kuril.

Tuần trước ông Abe và ông Putin hội đàm trong hai ngày, và cuối cùng chỉ đồng ý được với nhau là sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận về quần đảo Kuril trong tương lai.

Trung Quốc

Quan hệ gần gũi giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm nới rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tự vệ Nhật Bản đã gây quan tâm ở Trung Quốc.

Bắc Kinh và Tokyo còn đối đầu trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ về một quần đảo không người ở mà người Nhật gọi là Senkaku và được biết đến ở Trung Quốc là đảo Điếu ngư, trong biển Hoa Đông.

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên hai nước gần khu vực tranh chấp này.

Tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng đối thoại để giải quyết vấn đề này, đồng thời đồng ý mở một đường dây nóng nhằm tránh những vụ đụng độ không có chủ ý giữa lực lượng quân sự hai nước.

Tổng thống tân cử Donald Trump

Chuyến đi thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một động thái nhằm đáp lại chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Hiroshima hồi tháng Năm năm nay. Trong tư cách là vị Tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ tới thăm địa điểm nơi Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, ông Obama bày tỏ đồng cảm với các nạn nhân, nhưng không xin lỗi.

Ông Shinzo Abe đã xây dựng các quan hệ thân thiết với ông Obama trong việc ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và nới rộng vai trò của lực lượng tự vệ Nhật Bản để chống lại mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn, cũng như các hành động hung hăng của Trung Quốc trong Biển Đông.

Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, trao phần thắng cho ông Donald Trump, có thể là sức ép đẩy ông Abe vào thế phải nhanh chóng bày tỏ đoàn kết với Hoa Kỳ.

Ông Trump chống đối TPP và trong chiến dịch vận động tranh cử của ông, đã chỉ trích Tokyo là không đóng góp một cách công bằng để trang trải các chi phí quốc phòng liên quan tới sự hiện diện của 50.000 quân nhân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG