Đường dẫn truy cập

Hunsen lại bị gọi là 'con rối của Việt Nam'


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tại Phnom Penh, ngày 25/4/2017.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tại Phnom Penh, ngày 25/4/2017.

Hôm thứ Hai, khi cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành cầu hữu nghị Long Bình – Chrey Thom, bắc qua sông Bình Di nối hai tỉnh An Giang của Việt Nam và tỉnh Kandal của Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lại phản bác cáo buộc ông là con rối của Việt Nam.

Tờ Cambodia Daily cho biết: “Đứng bên cạnh người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Hun Sen cũng có cơ hội để thể hiện sự lưu loát bằng tiếng Việt." Tờ báo này cho biết ông Hun Sen nói vài phút bằng tiếng Việt và nói thêm rằng: "Tôi không nghe ai nói tôi là con rối của Anh hay Pháp khi tôi nói tiếng Anh và tiếng Pháp’ và ông hy vọng rằng "mọi người sẽ không lên án tôi vì tôi nói tiếng Việt.’”

Khi ấy ông Hun Sen nói thêm rằng vì có một số người dịch lời phát biểu của ông không chính xác, nên ông sẽ nói tiếng Việt. Ông nói: “Khi người ta thấy tôi nói tiếng Việt, họ buộc tội tôi là con rối của Việt Nam."

Khi người ta thấy tôi nói tiếng Việt, họ buộc tội tôi là con rối của Việt Nam.
Thủ tướng Hun Sen

Đảng Nhân dân Cứu quốc Campuchia (CNRP), thường xuyên cáo buộc Thủ tướng Hun Sen quá thân cận với Hà Nội và liên tục các năm gần đây gọi ông Hun Sen là “con rối của Việt Nam.”

Đảng CNRP từng tuyên bố rằng Chính phủ Campuchia hiện tại cho phép quá nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia, và lo ngại rằng Campuchia có thể trở thành một Kampuchea Krom thứ hai.

Hàng trăm người Việt và Campuchia ‘va chạm’ trên biên giới năm 2015
Hàng trăm người Việt và Campuchia ‘va chạm’ trên biên giới năm 2015


Tuy nhiên, cuộc gặp giữa ông Phúc và ông Hun Sen hôm thứ Hai, theo trả lời của ông Vũ Mão cho tờ Inquirer, sẽ tạo thuận lợi cho cả hai bên vì "Việt Nam và Campuchia luôn coi nhau là đối tác và anh em."

Cũng theo tờ Inquirer, vấn đề trọng điểm trong chuyến thăm Campuchia 2 ngày của ông Phúc là vấn đề biên giới.

Tờ Inquirer viết: “Ông Vũ Mão cho biết hai nhà lãnh đạo theo dự kiến sẽ hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới và xây dựng các đường biên giới trong thời gian sớm nhất.”

Việc tranh chấp biên giới kéo dài đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ song phương giữa hai nước qua nhiều năm.

Ông Sam Rainsy, cựu thủ lĩnh của đảng CNRP từng cáo buộc Hà Nội xâm phạm vào lãnh thổ Campuchia. Các công ty Việt Nam chiếm đoạt đất đai là một vấn đề đã được các tổ chức phi chính phủ, như tổ chức Global Witness, phản ánh.

Trong một diễn biến liên quan vào tuần trước, theo trang Asian Correspondent, 25 người thuộc dân tộc thiểu số Tây Nguyên, còn gọi là người Thượng đã bị chính quyền Campuchia và Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) buộc phải hồi hương về Việt Nam.

Báo Asian Correspondent trích lời một người Thượng 37 tuổi nói: "Tôi không muốn trở về Việt Nam, nhưng tôi buộc phải quay trở lại. Tôi muốn ở lại Campuchia. Bây giờ tôi rất sợ, bởi vì tôi biết rằng ngay khi tôi trở về Việt Nam, chính phủ Việt Nam sẽ trừng phạt và tiêu diệt tôi và gia đình tôi".

Tờ báo này cho biết những người Thượng đã bỏ chạy vì họ sẽ đối diện với sự khủng bố và bạo lực nếu bị đưa về Việt Nam.

Nhóm người Thượng Việt Nam tiếp xúc với nhân viên UNHCR
Nhóm người Thượng Việt Nam tiếp xúc với nhân viên UNHCR


Chuyến thăm Campuchia hai ngày của ông Phúc hôm 24 và 25 tháng 4 diễn ra không lâu trước bầu cử cấp phường, xã trên toàn quốc ở Campuchia, dự kiến vào ngày 4 tháng 6 năm nay.

Tuần qua, hôm 20/04, người phát ngôn cho Liên đoàn Sinh viên Trí thức Campuchia, ông Muoy Piseth nói với VOA rằng: "Chiến lược của một số chính trị gia để giành sự ủng hộ là lên án Việt Nam vì xâm lăng, và dùng từ ngữ xúc phạm."

Ông Muoy Piseth nói cách làm đó là hết sức vô lý nhưng được "truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác" ở Campuchia.

Chiến lược của một số chính trị gia để giành sự ủng hộ là lên án Việt Nam vì xâm lăng, và dùng từ ngữ xúc phạm.
Ông Muoy Piseth

Tuy nhiên, ông Mory Sar, Phó Chủ Tịch Mạng Lưới Thanh Niên Campuchia nói với VOA rằng đảng CNRP tập trung lòng thù ghét Việt Nam vào chương trình nghị sự nhưng điều này đã không dành được sự ủng hộ của công chúng và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì những thông điệp chính trị cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Năm 2015, Thủ tướng Campuchia đã tuyên bố ông không là con rối của Việt Nam, sau khi bị chỉ trích rằng ông không dám kiện Việt Nam về vấn đề biên giới, và rằng Việt Nam là ông chủ của ông.

Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen ‘đáp trả’ chỉ trích của Facebooker người Việt về vấn đề Biển Đông.

Khi ấy, tờ Phnom Penh Post trích phản ứng của ông Hun Sen viết trên trang Facebook trả lời trực tiếp một bình luận của một Facebooker người Việt rằng: “Nếu bạn hoặc quốc gia của bạn có vấn đề với Trung Quốc, thì hãy giải quyết nó một cách hòa bình. Đừng đổ lỗi cho tôi và đừng kéo Campuchia vào những vấn đề nội bộ của đất nước bạn”.

Ông Hun Sen nói báo chí biết ông bị cáo buộc là con rối của Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông không sợ Hà Nội.

Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi vụ việc một số người Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Campuchia phê phán vì bình luận trên Facebook của ông Hun Sen.

Hôm 30/8/2016, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việc một nhóm người được cho là người Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân họ trên mạng xã hội không phản ánh quan điểm của Việt Nam."

Trong khi đó, ngày 26/8/2016 trên Facebook của mình, Thủ tướng Hun Sen ra tuyên bố bằng tiếng Khmer và tiếng Anh bác bỏ chỉ trích của một người Việt ký tên “Nguyen Van Tai”, người bình phẩm trên Facebook của ông Hun Sen nói rằng Campuchia và Lào cần ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông.

Là cựu chiến binh của chính quyền Khmer Đỏ, ông Hun Sen đã trốn khỏi Campuchia vào năm 1977 và trở lại Campuchia cùng với lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại những người cộng sản cứng rắn vào năm 1979. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và sau đó trở thành Thủ tướng Campuchia vào 1985 với sự ủng hộ của Việt Nam.

Hunsen lại bị gọi là 'con rối của Việt Nam'
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:52 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG