Đường dẫn truy cập

'Thu thập dữ liệu điện thoại của NSA không ngăn được khủng bố'


Một cuộc nghiên cứu mới kết luận rằng việc thu thập ồ ạt các dữ liệu điện thoại của cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA 'đã không có tác động rõ rệt' đối với việc ngăn chặn khủng bố.

Một nhóm khảo cứu ở Washington, là 'Quỹ Nước Mỹ Mới', hôm nay cho biết đã nghiên cứu các cuộc điều tra 225 người có liên hệ về một mặt nào đó với khủng bố ở Hoa Kỳ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố gây chết người năm 2001, và đi đến kết luận rằng việc cơ quan NSA theo dõi các cú điện thoại chỉ đóng vai trò then chốt trong một trường hợp.

Báo cáo nói dữ liệu duy nhất về điện thoại mà NSA thu thập được có vai trò rõ ràng trong việc đề xuất một cuộc điều tra có liên quan đến một người lái xe taxi ở thành phố San Diego miền tây Hoa Kỳ, bị cáo buộc đã gửi 8.500 đôla cho một chi nhánh al-Qaida ở Somalia vào năm 2007 và 2008.

Quỹ 'Nước Mỹ Mới' nói việc theo dõi của NSA có thể đã đóng một vai trò trong các cuộc điều tra khác nữa, nhưng khoảng 60% các vụ điều tra xuất phát từ các phương pháp điều tra thường lệ, như mách nước của một thân nhân hay một người chỉ điểm, hoặc một báo cáo về hoạt động khả nghi.

Kết luận của báo cáo phản ánh kết luận của một cuộc duyệt xét do Tòa Bạch Ốc thực hiện kết luận hồi tháng 12 rằng việc NSA thu thập thông tin về hàng triệu cú điện thoại của người dân Mỹ 'không cấp thiết đối với việc ngăn chặn các vụ tấn công'.

Các báo cáo riêng rẽ được đưa ra vào lúc Tổng thống Barack Obama dự định loan báo vào thứ sáu tuần này liệu ông có hạn chế các chương trình theo dõi của NSA hay không, kể cả việc thu thập dữ liệu về các cú điện thoại và theo dõi những cú điện thoại của các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Từ nhiều năm, NSA đã thu thập hồ sơ các con số mà người Mỹ gọi, ngày tháng và thời gian, chứ không phải nội dung các cuộc gọi, trong cố gắng ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố mới.

Khi việc này bị tiết lộ lần đầu hồi năm ngoái, giám đốc NSA Keith Alexander đã bênh vực việc thu thập dữ liệu và nói việc này đã giúp ngăn chặn hơn 50 vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra tại 20 quốc gia trên khắp thế giới.

Phạm vi theo dõi của NSA đã được công khai hóa trong những tháng gần đây qua những tiết lộ của cựu nhân viên hợp đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden.

NSA cho hay ông này đã đánh cắp 1,7 triệu hồ sơ trong khi làm công tác tại một cơ sở của NSA ở tiểu bang Hawaii. Nay ông ta đang xin tỵ nạn ở Nga trong lúc nhà chức trách Mỹ đòi dẫn độ ông ta để đưa ra toà ở Hoa Kỳ về tội làm gián điệp.

Hai vị thẩm phán của Hoa Kỳ đã đưa ra các phán quyết trong các vụ riêng rẽ đòi chấm dứt việc thu thập dữ liệu điện thoại.

Một vụ ủng hộ chương trình này, còn vụ kia nói rằng có phần chắc là việc này vi phạm điều khoản trong Hiến pháp ngăn cấm chuyện lục soát bất hợp pháp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG