Đường dẫn truy cập

Thời đại của lý thuyết


Thời đại của lý thuyết
Thời đại của lý thuyết

Trả lời câu hỏi “Có thể tránh được lý thuyết không”, tôi viết: Không.

Thật ra, trên thế giới, người ta đã biết điều đó từ lâu. Cả mấy thế kỷ trước. Quan tâm đến lý thuyết nên mới có các trường phái khác nhau.

Về phương diện sáng tác, có lý thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật và lý thuyết nghệ thuật vị nhân sinh, chủ nghĩa tân cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa đa-đa, v.v... Mỗi trường phái được hậu thuẫn bởi một lý thuyết nhất định: những tác giả tiên phong nhất thường cũng đồng thời là những nhà lý thuyết, hoặc ít nhất, những người có tham vọng xây dựng một nền tảng lý thuyết cho phương pháp và phong cách sáng tác của mình.

Về phương diện học thuật, trừ Hình thức luận của Nga ở đầu thế kỷ 20, phần lớn các nỗ lực lý thuyết hoá đều bị gắn liền với các lãnh vực khác: từ triết học đến xã hội học, phân tâm học hay lịch sử; ở đó, văn học được sử dụng như một chất liệu hơn là một đối tượng. Với tư cách là chất liệu, khía cạnh sinh hoạt được đề cao hơn hẳn khía cạnh nghệ thuật. Ở phương diện này, Phê Bình Mới của Anh và Mỹ, từ những năm 1930, đã có công khôi phục khía cạnh nghệ thuật của văn học, biến văn học thành một đối tượng trung tâm của ngành nghiên cứu văn học và đưa ngành nghiên cứu văn học vào vị trí trung tâm trong các phân khoa nhân văn ở các trường đại học. Chính trong môi trường đại học, các hoạt động nghiên cứu văn học dần dần được chuyên biệt hoá, và nhờ chuyên biệt hoá, nên cũng dễ dàng được chuyên nghiệp hoá: phê bình tách ra khỏi lịch sử văn học và xã hội học văn học, và lý thuyết văn học dần dần tách ra khỏi bộ phận phê bình và lịch sử. Có điều, lý thuyết chỉ là một phần nhỏ của phong trào Phê Bình Mới. Mối quan tâm chính của các nhà Phê Bình Mới là thực hành; khi thực hành, họ chủ trương phương pháp “đọc gần” (close reading); trong phương pháp “đọc gần”, họ chỉ chú mục vào tác phẩm; ở tác phẩm, họ chỉ quan tâm đến cái văn bản nằm trên trang giấy; ở văn bản, họ chỉ tập trung vào các đặc điểm mang tính hình thức từ chữ đến câu, hình ảnh, cấu trúc, ở đó, song song với nỗ lực khám phá tính thống nhất, họ còn tìm cách phát hiện những biểu hiện hàm hồ, nghịch lý hay châm biếm của văn bản, từ đó, tìm cách diễn dịch để phát hiện ý nghĩa ẩn giấu bên trong tác phẩm. Ảnh hưởng của Phê Bình Mới trong các xứ nói tiếng Anh lớn đến độ thời của Phê Bình Mới được gọi là Thời Ðại của Phê Bình (Age of Criticism) nói chung.

Nhưng người ta không thể an tâm tiếp tục làm những nhà phê bình thực hành mãi được. Ý thức phê phán, nhu cầu tổng hợp và nhu cầu thuyết phục vốn tiềm tàng trong phê bình thực hành không sớm thì muộn cũng thúc đẩy nó đến với lý thuyết: từ việc phê bình một văn bản cụ thể, người ta đi đến phê bình chính động tác phê bình của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi, vào khoảng cuối thập niên 1960, một phần như một sự phản tỉnh, phần khác, dưới ảnh hưởng của các trường phái cấu trúc luận và sau đó, hậu cấu trúc luận của Pháp, Thời Ðại của Phê Bình bị thay thế bằng Thời Ðại của Lý Thuyết (Age of Theory).

Chưa bao giờ, trong lịch sử nhân loại, lý thuyết văn học lại bùng nổ một cách dữ dội đến như vậy. Hầu hết các trào lưu văn học, trong nửa đầu thế kỷ 20, đều gắn liền, trước hết, với sáng tác: chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa đa-đa, chủ nghĩa duy hình tượng, v.v… ; trong nửa sau thế kỷ 20, lại gắn liền, trước hết, với các lý thuyết: cấu trúc luận, hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc, hậu thực dân luận, nữ quyền luận, v.v... Những cây bút có ảnh hưởng nhất trong việc định hình các quan điểm thẩm mỹ trong văn học, trong nửa đầu thế kỷ 20, là các nhà văn và nhà thơ; trong nửa sau thế kỷ 20, là các lý thuyết gia. Sách lý luận văn học được xuất bản ào ạt. Thư mục hàng năm của Hội Ngôn Ngữ Hiện Ðại của Mỹ, trước năm 1960, không có phần lý thuyết văn học; sau đó, lý thuyết văn học bị gộp chung với mỹ học và phê bình với một lượng đầu sách cực ít; năm 1967, sách về lý thuyết văn học bỗng nhảy vọt: 200 cuốn; năm 1975, lại một bước nhảy vọt khác: trên 600 cuốn (1). Lý thuyết văn học được đưa vào các trường đại học, không phải chỉ như một trong nhiều bộ môn văn học, bên cạnh lịch sử văn học, xã hội học văn học và phê bình văn học, mà, theo nhận xét của Murray Krieger, như một bộ môn riêng biệt, có vị trí độc tôn so với các bộ phận khác trong lãnh vực nghiên cứu văn học và phần nào độc lập với văn học (2).

Trong môi trường học thuật, lý thuyết văn học dần dần vươn lên vị trí trung tâm của các ngành nhân văn: ở vị trí ấy, ngày xưa là thần học và tu từ học, từ thế kỷ 19 là triết học, và từ một hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 là ngôn ngữ học. Ở vị trí trung tâm ấy, lý thuyết văn học dần dần mang tính liên ngành rõ rệt: trước đây, nó vốn chỉ là một bộ phận, có khi là một bộ phận khá khiêm tốn của các lãnh vực học thuật khác; hiện nay, nó xâm lấn sang khá nhiều nơi, ở đó, người ta cũng dần dần nghiên cứu đối tượng của chuyên ngành họ như là cách đọc những “văn bản”: các nhà phân tâm học, như Jacques Lacan, tin là vô thức cũng được cấu trúc như là ngôn ngữ, nghĩa là, như một văn bản; các nhà nhân chủng học và văn hoá học như Michel Foucault tin là lịch sử nhân loại là lịch sử của các diễn ngôn (discourse), v.v...

Trong các đại học, theo ghi nhận của Jonathan Culler, các khoá học về Freud thường nằm trong phân khoa văn học hơn là tâm lý học; các triết gia Nietzsche, Sartre, Gadamer, Heidegger và Derrida thường được giáo sư và sinh viên văn học thảo luận nhiều hơn là các giáo sư và sinh viên triết học; tên tuổi của Ferdinand de Saussure quen thuộc trong giới nghiên cứu văn học còn hơn cả trong giới ngôn ngữ học (3).

Tính chất liên ngành của lý thuyết văn học còn được nhìn thấy ở một khía cạnh khác nữa: nó được/bị văn chương hoá. Theo Elizabeth W. Bruss, một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt lý thuyết văn học hiện nay là bản thân lý thuyết trở thành văn học, tức cũng sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ và cũng có những giá trị thẩm mỹ nhất định (4). Một điều thú vị nữa cũng cần được chú ý là sự thay đổi này của lý thuyết văn học làm cho bản thân triết học thay đổi theo: triết học, nói theo Jacques Derrida, bị mắc vào cái lưới của thi ca; nói theo Richard Rorty, trở thành một kiểu viết (philosophy as a kind of writing) và bản thân các triết gia trở thành các thi sĩ (5). Những quan niệm này làm thay đổi cả cách đọc triết học và lý thuyết văn học: những triết gia và lý thuyết gia có phong cách gần với văn học được đọc nhiều và ưa chuộng hơn hẳn những người có lối viết kinh viện khô khan; Plato được đọc nhiều hơn Aristotle, Hume hơn Kant, Nietzsche hơn Hegel, v.v…(6)

Tiếc thay, cái thời đại thịnh trị của lý thuyết ấy hình như đã qua rồi.

Qua rồi.

Chú thích:

  1. Elizabeth W. Bruss (1982), Beautiful Theories, the Spectacle of Discourse in Contemporary Criticism, Baltimore: John Hopkins University Press, sđd., tr. 3.
  2. Murray Krieger (1994), The Institution of Theory, Baltimore: The Johns Hopkins University Press, tr. 3, và Thomas M. Kavanagh (biên tập) (1989), sđd., tr. 10.
  3. Jonathan Culler (1988), Framing the Sign, Criticism and Its Institutions, Norman: University of Oklahoma Press, tr. 15.
  4. Elizabeth W. Bruss (1982), sđd., đặc biệt chương “Theory of Literature Becomes Theory as Literature”, tr. 33-79.
  5. Reed Way Dasenbrock (biên tập) (1993), Literary Theory After Davidson, Pennsylvania: Pennsylvania State University Press, tr. 3.
  6. Như trên, tr. 2.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG