Đường dẫn truy cập

Tôi có thằng bạn thân


Hình chụp với một gia đình người Việt tị nạn, Thầy Thích Nguyên Thảo, Trụ trì Chùa Hoa Nghiêm và Bộ trưởng Bộ Di trú Canada Jason Kenney
Hình chụp với một gia đình người Việt tị nạn, Thầy Thích Nguyên Thảo, Trụ trì Chùa Hoa Nghiêm và Bộ trưởng Bộ Di trú Canada Jason Kenney

Tôi có thằng bạn thân tên Tuấn, người Canada gốc Việt. Tuấn đang ở Ottawa, thủ đô của Canada, một đất nước đúng như lời anh Nguyễn Ngọc Ngạn nói là đất lạnh nhưng tình nồng.

Đối với tôi, bạn thân nghĩa là chúng tôi luôn chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Trong công việc hằng ngày, về chuyện công lẫn chuyện tư. Vợ chồng cãi lộn hay chia tay nhau – vì lý do chính đáng hay không – chúng tôi cũng bảo cho nhau nghe. Những lúc tôi thiếu tiền, Tuấn sẵn sàng cho mượn mà không cần biết là lúc nào tôi mới có thể trả được.

Tôi quý bạn tôi là vì thế. Vì Tuấn chỉ biết cho mà chưa bao giờ nhận được bất cứ điều gì từ tôi. Nói ra thì nghe thấy hơi quá đáng nhưng những thằng bạn nào chơi càng thân với tôi thì hình như lại càng dễ bị tôi lợi dụng.

Phủ phàng là thế!

Còn nhớ lúc tôi mới quen Tuấn cách đây cũng độ 9, 10 năm gì đó. Không những tôi vào nhà Tuấn xin ở ké mỗi khi phải đến Ottawa họp hành mà ngay cả việc đưa đón tôi cũng phải nhờ. Cách đây vài năm, Tuấn là người đầu tiên đứng ra tổ chức văn nghệ ở Ottawa để gây quỹ giúp cho văn phòng tôi ở Phi Luật Tân.

Sau này khi cần người bảo trợ cho một số người Việt tỵ nạn ở Phi sang Canada tôi cũng nhờ đến Tuấn. Hôm gặp mặt một số đồng bào được may mắn cho sang Ottawa định cư trong những năm vừa qua, Tuấn là người cho chúng tôi mượn nhà hàng của gia đình để mọi người có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự luôn tiện ăn đồ ăn nhà hàng nấu đãi…miễn phí.

Thế mới gọi là lợi dụng.

Vậy mà nó vẫn tiếp tục chịu đựng để mãi đến bây giờ tôi với nó vẫn là 2 thằng bạn thân, có phước không cùng hưởng nhưng có nạn thì luôn sẵn lòng chia!

Như hôm tuần trước tôi gọi điện thoại trên Skype từ Manila để báo cho nó biết là tôi đã xin nghỉ việc ở Washington DC để trở về Phi Luật Tân mở lại văn phòng cho VOICE. Còn quá nhiều công việc tỵ nạn ở Campuchia, ở Thái Lan và ngay cả ở Manila này mà tôi vẫn muốn tiếp tục tranh đấu. Xây dựng một xã hội dân sự ở Việt Nam, giúp đỡ những người bạn của tôi hiện đang bị giam cầm, áp bức ở Việt Nam cũng là điều mà tôi muốn thực hiện trong những năm tháng sắp tới.

Nhưng hình như đó lại không phải là điều mà Tuấn bận tâm nhất. Vì câu hỏi đầu tiên của Tuấn dành cho tôi là:

‘Mày làm như vậy thì lấy cái gì mà sống?’

Thiệt đúng là cái thằng quá thành thật và thực tế, tôi nghĩ trong đầu. Dĩ nhiên là tao sẽ sống thôi. Trời đã sanh voi thì sẽ sanh cỏ mà. Tôi liền phân bua bảo cho Tuấn rằng:

‘Mày đừng lo. Ăn ở thì tao sẽ ở chung với mấy người tỵ nạn ngay trong văn phòng như ngày xưa. Vì vậy sẽ khỏi phải tốn tiền nhà, tiền ăn. Còn tiền đi làm MC show văn nghệ ở bên Mỹ, một hai tháng được một lần thì để dành nuôi thằng Trịnh Phi. Thế là đủ rồi. Đâu còn cần gì nữa, có phải không?’

Không nhìn thấy Tuấn ở bên đầu dây bên kia nhưng tôi có thể hình dung ra được cảnh nó vừa lắc đầu chán ngẩm vừa đáp trả lời tôi:

‘Mày thiệt đúng là thằng…hết chỗ nói. Mày đã nói như vậy thì tao đâu còn cái gì để nói nữa’.

(Cả hai cùng im lặng)

Nhưng có lâu đâu. Chỉ vài giây sau là nó đã hỏi tiếp trên đầu dây bên kia:

‘Như vậy thì mày cần cái gì bây giờ nói cho tao biết’

Trời. Cái gì mà tao không cần. Tôi lại chợt nghĩ trong đầu. Tao cần thiện nguyện viên qua giúp tao một tay để làm hồ sơ kháng cáo. Tao cần laptop, máy in, máy tính, tiền mua bàn ghế, giường tủ cho văn phòng. Tao cần phải gây quỹ để có tiền trả chi phí hàng tháng như trước đây vậy. Tao đã xin được tiền nhà nhưng những thứ khác thì chưa.

Nhưng suy đi nghĩ lại thấy mình đã lợi dụng thằng bạn mình quá nhiều nên tôi hơi có ý chần chờ, chưa dám nói thẳng ra.

Hình như Tuấn cảm nhận được điều đó nên hỏi ngay:

Mày cần tiền phải không?

Mmm…ừ.

Mày cần bao nhiêu?

Thì có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Như hồi đó vậy mà.

Rồi. Tao sẽ giúp mày. Nhưng với một điều kiện.

Điều kiện gì?

Mày phải viết cho tao một lá thơ gửi qua cho tao ngay, nói rõ cái gì mày đang cần để tao đi nói chuyện với gia đình, đám bạn của tao. Tụi nó sẽ giúp mày.

OK.

Tuần sau được không?

OK.

Rồi. Vậy nha. Tao phải đi làm đây. Bye. Mình nói chuyện sau.

OK.

Và thế là chấm dứt buổi trò chuyện ngắn ngủi chưa đến 15 phút giữa tôi và thằng bạn thân tên Tuấn người Canada, gốc Việt. Với vỏn vẹn 3 chữ ‘OK’ đến từ tôi. Mặc dù từ nhỏ tôi luôn được cho là thằng nói nhiều, nói lớn, cái gì cũng nói được.

Nhưng không hiểu sao những lúc như thế này tôi lại chẳng phải biết nói thế nào cho hợp lẽ.

Vì nếu nói không cần thì rõ là tôi không thành thật.

Còn nếu nói cần thì tôi lại thấy sao ngài ngại bởi đấy là chuyện của mình chứ đâu phải là chuyện của người ta.

Nhưng có lẽ như lời Tuấn từng chia sẻ với tôi những lúc tôi gặp khó khăn: ‘Tao là bạn của mày. Chứ không phải là người ta. Vì vậy mày cần cái gì phải nói cho tao biết. Nếu tao giúp được tao sẽ giúp. Còn không thì tao cũng sẽ báo cho mày biết. Không có gì phải e ngại. Có vậy thì mình mới là bạn lâu dài với nhau được. OK!’.

Ừ. OK.

Lại chỉ có một chữ OK.

Quả thật tôi là một người may mắn. Vì hiện tại tôi đang làm được việc mà tôi hằng say đắm. Tôi lại có đủ sức khỏe và sự hiểu biết để tiếp tục thực hiện điều mình mơ ước.

Nhưng trên hết và quan trọng hơn hết là tôi luôn nhận được sự hết lòng, hết tâm giúp đỡ từ những người thân trong gia đình, từ những thằng bạn thân, từ Úc sang đến Mỹ. Và trong tuần này là từ ngay thủ đô Ottawa. Từ một thằng bạn thân tên Tuấn.

Cảm ơn Tuấn. Xin cảm ơn tất cả. Nếu cũng như Tuấn, các bạn muốn giúp cho tôi một tay, muốn giúp đỡ cho VOICE trong lúc này, xin các bạn cứ email thẳng về cho tôi ở địa chỉ: hoitrinh@hotmail.com. Riêng phần tôi, ngay bây giờ, tôi phải lo viết thư cho Tuấn.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG