Đường dẫn truy cập

Thân nhân ‘tử sĩ Hoàng Sa’ chật vật sống còn


Bà Huỳnh Thị Sinh (trái) trong lễ tang chồng.
Bà Huỳnh Thị Sinh (trái) trong lễ tang chồng.

Một số người dân có chồng và cha từng chiến đấu cho lực lượng Việt Nam Cộng hòa và bỏ mạng trong trận hải chiến đẫm máu ở Hoàng Sa cho biết rằng sau năm 1975, họ chật vật sống qua ngày.

Trận chiến trên biển, dù xảy ra hơn 40 năm trước, vẫn gợi lại nhiều suy nghĩ, nhất là khi sắp tới ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, và trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng củng cố chủ quyền Biển Đông.

Trợ cấp gì, không có gì hết. Mình buôn bán, phụ con cháu sống thôi chứ đâu có ai phụ cấp gì cho mình đâu. Mình chắc là người của chế độ cũ thì người ta cũng không giúp đỡ mình gì đâu...
Bà Huỳnh Thị Sinh nói.

Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của cố thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ10 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, cho biết rằng hiện bà không được nhà nước hỗ trợ gì, mà “phải phụ giúp con cháu để sống qua ngày”.

Bà nói tiếp: “Trợ cấp gì, không có gì hết. Mình buôn bán, phụ con cháu sống thôi chứ đâu có ai phụ cấp gì cho mình đâu. Mình chắc là người của chế độ cũ thì người ta cũng không giúp đỡ mình gì đâu. Chỉ có bạn bè của chồng bác, lâu lâu, thỉnh thoảng cho 100, 200 [nghìn đồng]. Mà ít khi cho lắm, năm mới cho một lần”.

Bà cho biết thêm rằng mấy năm trước, nhà bị giải tỏa, nên cộng đồng cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại đã ủng hộ tiền để mua căn hộ mới, nếu không bà cũng không biết bấu víu vào đâu.

Hình ảnh tử sĩ Ngụy Văn Thà trong buổi biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội năm 2014.
Hình ảnh tử sĩ Ngụy Văn Thà trong buổi biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội năm 2014.

Bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ của Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Hạm phó Hộ tống hạm HQ10, trong trận hải chiến năm đó, cũng nhận được hỗ trợ của nhiều dân thường để mua nhà mới.

Bà Thanh qua đời đầu năm nay sau khi chống chọi với căn bệnh ung thư. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái bà, cho biết rằng lúc cuối đời, “bà không muốn đi nhà thương”, và theo chị, bà nói, “ba con không cho mẹ sống nữa thì thôi để mẹ đi cùng với ba”.

Chị Thảo cho biết rằng chị “rất tự hào về ba mình” và “bàn thờ vẫn để nguyên hình ảnh thờ ông mặc quân phục”.

Bắt đầu từ năm 77 – 78, mang một cái lý lịch vợ sĩ quan ngụy thì bà không được làm việc tại Sài Gòn, mà phải thuyên chuyển đi tỉnh. Cuộc sống thì đúng là nó khó khăn. Nếu mà cách nhìn nhận của xã hội nó khác, đỡ gay gắt như những năm đầu, cuộc sống của gia đình chúng tôi có thể nó sẽ khác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái một "tử sĩ Hoàng Sa", nói.

“Mẹ tôi giữ khá nhiều hình ảnh và tư liệu về ba tôi, và chúng tôi có tờ tường trình về những giờ phút cuối mà đồng đội của ông ghi lại, từ khi khai hỏa cho tới khi ba tôi mất”, chị nói.

Con gái của “tử sĩ Hoàng Sa” này cho hay rằng, sau năm 1975, “cuộc sống đối với những gia đình như chúng tôi khá thiệt thòi”.

Chị nói: “Bắt đầu từ năm 77 – 78, mang một cái lý lịch vợ sĩ quan ngụy thì bà không được làm việc tại Sài Gòn, mà phải thuyên chuyển đi tỉnh. Cuộc sống thì đúng là nó khó khăn. Nếu mà cách nhìn nhận của xã hội nó khác, đỡ gay gắt như những năm đầu, cuộc sống của gia đình chúng tôi có thể nó sẽ khác. Xã hội bây giờ, Việt Nam có trợ cấp con liệt sĩ, có những chính sách ưu đãi khi vào đại học xin việc làm. Xã hội bây giờ là vậy. Chúng tôi ngược lại, xã hội trước chúng tôi được như vậy [trợ cấp trước năm 75] mà xã hội này chúng tôi không được vậy thì đương nhiên nó cũng thiệt thòi, nó có cái buồn”.

Chị Thảo nói thêm rằng vào ngày 30/4 mà truyền thông trong nước hay gọi là “ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chị em chị “chỉ ru rú ở trong nhà thôi”.

“Những ngày đó, tình hình an ninh của thành phố, của đất nước rất cao, [nếu] xã hội có bạo động hay có gì đó, mình ra đường nhằm vào những lúc đó thì mình sợ nhiều khi nó không an toàn vì với lý lịch của mình. Mình không phải gia đình cách mạng cho nên nhiều khi mình rất dễ bị hiểu lầm”, chị nói.

Trong khi chính quyền trong nước thường tổ chức ngày gọi là "thống nhất đất nước", nhiều người Việt ở hải ngoại, nhất là các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, lại gọi đó là "ngày quốc hận".
Trong khi chính quyền trong nước thường tổ chức ngày gọi là "thống nhất đất nước", nhiều người Việt ở hải ngoại, nhất là các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, lại gọi đó là "ngày quốc hận".

Về việc nhà nước Việt Nam chưa chính thức công nhận sự hy sinh của các tử sĩ Hoàng Sa, chị Thảo nói: “Mình tự biết thân, biết phận, mình sống mình thu mình lại, khép mình lại. Mình không có cha. Một mình mẹ tôi bươn chải để nuôi hai chị em tôi khôn lớn. Bà cũng thu mình lắm. Thành ra bà dạy tụi tôi sống khép mình. Thật sự ở Việt Nam, chưa được quyền nói về vấn đề Hoàng Sa, chỉ có hải ngoại thôi. Mình cũng cảm thấy một chút an ủi, vì dầu sao ba mình là người Việt Nam, ông lại chiến đấu giữ gìn biển đảo đất nước. Chúng tôi xem thông tin từ nguồn hải ngoại để có một chút an ủi, tự hào về ba mình”.

Mình cũng cảm thấy một chút an ủi, vì dầu sao ba mình là người Việt Nam, ông lại chiến đấu giữ gìn biển đảo đất nước. Chúng tôi xem thông tin từ nguồn hải ngoại để có một chút an ủi, tự hào về ba mình.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo nói.

Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa bỏ mạng ngày 19/1/1974.

Nhiều nhà hoạt động xã hội ở trong nước thường xuống đường vào ngày này để tưởng nhớ các tử sĩ, nhưng tin cho hay rằng đa phần đều nhanh chóng bị “giải tán”.

Báo chí trong nước đầu năm ngoái đưa tin rằng Việt Nam đã “khởi công xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi”, để “vinh danh tất cả những người Việt Nam đã ngã xuống” để bảo vệ Hoàng Sa. Hiện chưa rõ tiến độ của công trình trị giá hàng chục tỉ đồng này.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Texas năm 2016.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Texas năm 2016.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger năm 2016 tuyên bố “không có thỏa thuận nào” với Trung Quốc về Hoàng Sa hơn 40 năm trước, giữa cáo buộc Mỹ làm ngơ để Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Người từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ nói tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas, mà phóng viên VOA Việt Ngữ tham dự: “Mỹ từ trước tới nay không đưa ra quan điểm ủng hộ chủ quyền của bất kỳ nước nào đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc xảy ra vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể dám chắc với quý vị rằng Hoàng Sa không trong tâm trí của chúng tôi".

VOA Express

XS
SM
MD
LG