Đường dẫn truy cập

Thái Lan cần tường chắn ven biển để chống mực nước dâng


Thái Lan đã được thông báo là họ cần xây một bức tường chắn thật lớn ở ven biển để ngăn chặn sự tàn phá do hiện tượng đất lún và nước biển dâng. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben gửi về bài tường trình sau đây.

Nguy cơ thiệt hại hàng tỉ đô la trừ phi chính phủ có hành động bảo vệ vùng này chống lại mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu và đất lún. Bangkok, thành phố đã được xây dựng hơn 200 năm trước trong vùng châu thổ sông Chao Phraya, là một trong những thành phố lớn tại châu Á. Theo các đoàn thể bảo tồn môi sinh cho biết, Bangkok đang gặp nguy cơ đất lún và bị tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu. Những thành phố khác trong tình cảnh tương tự là Dhaka, Manila, Jakarta, Calcutta, Phnom Penh, Hồ Chí Minh và Thượng Hải.

Ông Cor Dijkgvaaf là giáo sư kiêm giám đốc tại viện Nghiên cứu Phát triển Gia cư và Đô thị tại Rotterdam. Ông nói rằng Thái Lan cần phải xây một tường chắn ven biển dài 100 kilomét dọc theo vịnh Thái Lan để giúp giảm nguy cơ ngập lụt trầm trọng.

Ông nói: "Quý vị hãy tính kỹ xem tổn thất sẽ như thế nào nếu việc sản xuất công nghiệp bị đình chỉ, quý vị không cách gì về được căn nhà của quý vị nữa, đất đai canh tác của quý vị bị chìm ngập trong nước mặn. Tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng xây tường chắn ven biển là giải pháp rẻ hơn."

Theo các chuyên gia về khí hậu và phát triển thì nhiều thành phố đang gặp nguy cơ phải đối phó với nhiều vấn đề. Thứ nhất, những thành phố này xây trên những vùng đất thấp và ẩm ướt, có sông ngòi bao quanh, điều tự nhiên là những nơi này dễ bị lụt.

Tình trạng đô thị hóa ngày càng tăng đã góp phần vào tình trạng đất lún. Tình trạng này lại càng tệ hơn vì thiết kế tồi tệ, làm nghẽn đường rút nước. Và cuối cùng, khi nhiệt độ toàn cầu tăng, mực nước biển dâng lên sẽ tràn thêm vào các đô thị.

Giáo sư Dijkvaaf cho biết Java, hòn đảo chính của Indonesia, cũng bị đe dọa vì mực nước biển dâng.

Ông nói: "Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của mực nước biển dâng, nhất là tất cả những thành phố lớn ve biển Java và những thành phố nhỏ hơn. Tất cả những thành phố này có từ 1 triệu đến 10 triệu cư dân. Đây là vùng đất thấp; cũng giống như Bangkok, Jakarta đang chìm dần."

Ông cho biết tại Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô tài chính ở miền nam gần châu thổ sông Mekong, đang đứng trước nguy cơ ngập lụt trầm trọng hơn nhiều.

Ông Anond Sridvongs là một chuyên gia về hải dương học thuộc Đại học Chulalongkorn và là người viết về tình trạng biến đổi khí hậu. Ông cho biết dường như chính phủ Thái thiếu quyết tâm đối phó với tình trạng mực nước biển dâng cao.

Ông nói: "Ngay vào lúc này, hầu hết chính sách tại hầu như tất cả mọi cấp trong chính phủ Thái Lan không hề xét đến tình trạng biến đổi khí hậu. Họ không hiểu rõ rằng ngay bây giờ đây, chúng ta có nhiều dự án quan trọng, nhưng rất nhiều thiết kế hay kế hoạch đều dựa trên giả định rằng môi trường vẫn như cũ không thay đổi. "

Những nhận định của các nhà nghiên cứu đã được đưa ra chỉ hơn một tháng sau khi một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Copenhagen. Trước đó Bản Công Ước khung sườn của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã kêu gọi tất cả mọi quốc gia hãy ký bản hiệp định về Biến đổi Khí hậu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG