Đường dẫn truy cập

Khó khăn kinh tế Tây Ban Nha khiến một số di dân trở về quê cũ


Những người thất nghiệp chờ đến phiên mình bên ngoài văn phòng tìm việc của chính phủ trong thủ đô Madrid, Tây Ban Nha
Những người thất nghiệp chờ đến phiên mình bên ngoài văn phòng tìm việc của chính phủ trong thủ đô Madrid, Tây Ban Nha

Số các cư dân không phải là người Liên Hiệp Châu Âu tới Tây Ban Nha đã sụt giảm năm 2010, lần đầu tiên kể từ khi dịch vụ xây cất tại nước này nở rộ bắt đầu quyến rũ con số kỷ lục các di dân. Hiện tượng này đã đảo ngược, trước tình trạng không còn nhiều công ăn việc làm, nhiều di dân quyết định trở về quê nhà.

Ngôi chợ El Rastro ở thủ đô Madrid là nơi những người bán rong đã có mặt từ hơn 500 năm nay. Ông Paul Shoyoye, một di dân gốc Nigeria, tới đây 35 năm trước. Hồi đó, ông là một người tiêu dùng tại một tân quốc gia có tương lai rực rỡ. Giờ đây ông bán quần áo rẻ tiền tại một góc phố vì không thể tìm được việc gì làm có thâu nhập cao hơn. Ông nói:

“Đây là thời buổi tệ nhất. Trước đây mọi người đều có việc làm. Người ta đi làm, vui với công việc, và được an toàn –như bất cứ ai có làm việc. Nhưng giờ đây, nền kinh tế tệ quá. Tôi phải nói với bạn là tệ quá.”

Các di dân giống như ông Shoyote tới Tây Ban Nha để tìm một đời sống khá hơn, các văn bằng đại học, và chăm sóc sức khỏe.

Ông Shoyote cho biết trước đây ông làm tại Ngân hàng Trung ương Nigeria và sau đó đã làm tại một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất ở Châu Phi. Ông tới Tây Ban Nha bởi vì ông muốn đi học lại và ông đã học tại trường đại học ở Madrid. Sau đó thì không kiếm được công ăn việc làm. Nếu có thì lương cũng quá thấp. Vì vậy ông đã đổi ý.

Ông ước tính rằng lợi tức của ông chỉ bằng 1/3 thâu nhập 3 năm trước đây. Và sau 35 năm ở Tây Ban Nha ông đang xem xét tới việc trở về Nigeria. Ong giải thích tại sao một số bạn bè của ông ở Maroc và Ecuador cũng làm như vậy:

“Một số bạn bè tôi cho biết sở dĩ họ quyết định trở về quê cũ là vì không có công ăn việc làm. Sau một loạt công trình xây dựng, bây giờ không còn nhiều công việc nên họ sẽ trở về quê nhà. Họ trở về vì họ có công việc ở đó, hay ít nhất thì cũng được gần gia đình hơn.”

Khuynh hướng mà ông Shoyoye mô tả được các số liệu của chính phủ minh chứng. Bộ Lao Động nói rằng trong năm 2010, có ít di dân không phải gốc Châu Âu tới Tây Ban Nha hơn bất cứ năm nào trong thập niên trước. Sự sụt giảm lớn nhất là ở Madrid, so với chỉ riêng năm ngoái thôi thì số di dân cũng đã ít đi gần 14%.

Kinh tế gia Joseph Oliver, đồng tác giả cuốn Niên Giám Di Trú của Tây Ban Nha, nói rằng các di dân đổ xô tới Tây Ban Nha nhanh và nhiều trong những năm nở rộ một phần là vì lúc đó công ăn việc làm đầy dẫy:

“Từ nửa triệu hồi giữa thập niên 1990 tới gần 5 triệu hồi năm 2008. Đây thật sự là luồng nhập cư di dân quan trọng nhất tại bất cứ quốc gia Châu Âu nào trong những thập niên trước đây. Trong thời kỳ đó, 40% việc làm mới tại Châu Âu là ở Tây Ban Nha - một nước chỉ chiếm 10% toàn bộ kinh tế đại lục này.”

Một mặt, sự sụt giảm số di dân hiện nay sẽ làm giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha - nhưng vẫn còn trên 20%. Nhưng mặt khác, Tây Ban Nha có sinh suất quá thấp nên cần các công nhân nước ngoài để giữ cho nền kinh tế sống còn. Vấn đề đó đã dẫn tới một số biện pháp khắc khổ gây nhiều tranh cãi. Kinh tế gia Oliver cho biết tiếp:

“Tăng tuổi nghỉ hưu là một vấn đề nóng bỏng. Đề nghị của chính quyền Tây Ban Nha là tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67. Đó là vì vấn đề dân số của Tây Ban Nha. Vào một lúc nào đó trong thập niên tới những người sinh ra sau Thế Chiến Thứ Hai sẽ bắt đầu tới tuổi nghỉ hưu và khi đó sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hệ thống hưu bổng, và nói chung, hệ thống phúc lợi xã hội của Tây Ban Nha.”

Ông Oliver thừa nhận rằng, những cơ hội cho các di dân tại Tây Ban Nha đã cạn kiệt. Nhưng ông nghĩ là không thể tránh được một đợt sóng di dân mới:

“Tôi không thể tưởng tượng được Tây Ban Nha trong 30 năm nữa sẽ ra sao nếu không có một đợt di dân nữa, hoặc nếu Tây Ban Nha không gia tăng sinh suất, và điều đó có vẻ khó thực hiện được. Thật là khó tưởng tượng sẽ ra sao, không phải chỉ trong vấn đề một hệ thống hưu bổng, nhưng cũng còn trong vấn đề một thị trường lao động làm việc hữu hiệu mà không có một số lượng công nhân trẻ đúng mức.”

Còn về phần ông Shoyoye, ông nói rằng nếu quyết định trở về quê cũ là Nigeria, thì có lẽ ông sẽ không trở lại. Sau nữa đời người ở Tây Ban Nha, đây quả là một quyết định khó khăn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG