Đường dẫn truy cập

Quảng Bình, Hà Tĩnh tiếp tục gánh lũ


Lũ lụt Quảng Bình, ngày 31 tháng 10 năm 2016.
Lũ lụt Quảng Bình, ngày 31 tháng 10 năm 2016.

Mưa và nước lũ tiếp tục nhấn chìm nhiều khu vực ở Quảng Bình và Hà Tĩnh trong khi người dân địa phương chưa kịp gượng dậy sau đợt lũ “lịch sử” vừa xảy ra 2 tuần trước đó.

Quảng Bình, Hà Tĩnh tiếp tục gánh lũ
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:54 0:00
Tải xuống

Chị Nguyên Hương, thành viên của một nhóm cứu trợ đang có mặt tại xã Quảng Trung, Ba Đồn, Quảng Bình, một trong những khu vực đang bị lũ lụt cô lập, cập nhật tình hình vào tối 31/10 cho VOA:

“Nước lũ đo được lúc 11 giờ trưa nay là 1,8 met và sẽ tiếp tục dâng cao, bởi vì tình hình mưa kéo dài trong 3 ngày liên tiếp và lượng mưa đo được là 150 mm cho cả 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hiện tại, các đập thủy điện ở Hà Tĩnh đang chịu áp lực nước rất lớn nên họ phải xả lũ để bảo vệ đập. Chính vì vậy, kết hợp mưa và xả đập nên tình trạng lũ ở tỉnh Quảng Bình hết sức nghiêm trọng. Hiện tại, em ghi nhận được các huyện bị ảnh hưởng là thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Hiện nay nước lũ đang dâng lên, trời vẫn tiếp tục mưa, chưa có tín hiệu dừng lại. Còn tình hình ở Hà Tĩnh, bạn em có nhắn cho em nói rằng hiện tại đập thủy điện gây ra tình trạng lũ lụt là đập thủy điện Hố Hô đang xả lũ rất mạnh. Tất cả 6 xã miền núi của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đang ngập chìm trong nước lũ. Hiện tại chỗ em đang ngồi nước lũ cao, em nghĩ hiện nay là khoảng 1,6 met và có dấu hiệu rút rất chậm. Trong khi rút từ từ như vậy thì lại kết hợp với mưa nên cuối cùng đâu lại vào đấy. Tỉnh Quảng Bình có một con đập ở huyện Tuyên Hóa, đó là đập Sơn La, cũng đang chịu áp lực vì nước mưa nên họ cũng đang phải tìm giải pháp để cứu con đập đó, nghĩa là họ xả lũ”.

Theo ghi nhận của người có mặt tại một số khu vực ở Quảng Bình, các hộ dân có nhà trệt (1 tầng) đều đã di dời đến những vùng cao. Còn một số người dân có nhà 2 tầng thì vẫn có thể sử dụng tầng 2 để ở. Chị Hương cho biết đa số người dân ở đây đều có thuyền nhỏ để di chuyển và hiện không có thiệt hại về nhân mạng.

“Trâu, bò, gà, lợn thì họ cũng đưa lên vị trí an toàn rồi. Về thiệt hại về người thì không có bởi vì bà con chắc là đã quá quen với cảnh lũ vừa rồi, bởi vì trận lũ ngày 14/10 vừa rồi rất cao. Khi bà con mới vừa ổn định được một chút thì lại tiếp tục bồi thêm trận lũ này nữa, nên tình hình của bà con rất bi đát.

Tin trên trang báo điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết sáng 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát phương án chống lũ, lụt, điều tiết nước, bảo đảm an toàn hồ đập và an toàn cho vùng hạ du. Trong khi đó, một số tổ chức dân sự và cá nhân hiện đã có mặt hoặc đang trên đường đến Quảng Bình để cứu trợ lũ lụt.

Chị Nguyên Hương cho biết thêm về công tác ứng phó của chính quyền địa phương:

“Ở huyện Hương Khê, bộ đội biên phòng gác ở huyện Hương Khê đó có đến hỗ trợ, giúp bà con chạy lũ. Còn tại tỉnh Quảng Bình, chưa thấy chính quyền địa phương hay dân quân, bộ đội, lính biên phòng có động thái gì cụ thể”.

Báo cáo sơ bộ được Dân Trí đăng tải cho biết tính đến cuối giờ chiều ngày 31/10, đã có 476 ngôi nhà ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị ngập dưới 1 met, 9 trường học trên địa bàn bị ngập. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị nhấn chìm trong nước, khiến nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ.

Tin từ báo Nhân Dân cho hay toàn Quảng Bình đã có gần 200 trường học buộc phải cho học sinh nghỉ học vì mưa lũ, sau khi các em mới quay trở lại học được vài ngày sau trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 10.

Từ tâm vùng lũ, chị Hương cho biết tình hình người dân hiện nay cần nhất là nguồn nước sạch. Trong đợt lũ trước, một số người dân bị tiêu chảy khi sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh do lũ.

“Em thấy hiện nay nước sạch là cần thiết nhất, bởi vì em đang ở giáo xứ này là một cái cồn, theo tiếng miền Trung là đảo, bị cô lập, biệt lập luôn. Từ quốc lộ, đất liền đi ra đây bọn em bắt buộc phải đi thuyền. Mà tình trạng như thế này, thuyền của bà con nông dân lại nhỏ nên vấn đề đi lại bằng thuyền vào đất liền là hết sức khó khăn và không khả thi nên nhu cầu của bà con hiện nay là cần nước sạch. Từ sáng đến giờ, họ cắt điện và cắt cả nước luôn. Đến khoảng 4 giờ thì họ mới cho lại. Hiện tại thì ngoài trời đang mưa rất lớn, em không biết khi nào thì họ lại cắt điện”.

Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tối 31/10 cho biết lũ trên sông Gianh (Quảng Bình) đang dao động ở mức đỉnh, trong khi sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đang lên. Trung tâm cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp, đặc biệt là ở các huyện Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), và khả năng lũ sẽ lên lại trên các sông ở tỉnh Quảng Bình vào tối và đêm nay (31/10). Khả năng mưa lũ được dự báo sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG