Đường dẫn truy cập

Phi công Mỹ trở lại Bắc Triều Tiên tìm hài cốt bạn


Cựu phi công Hải quân Mỹ Thomas Hudner được giới chức Bắc Triều Tiên chào đón ở sân bay Bình Nhưỡng, 20/7/2013
Cựu phi công Hải quân Mỹ Thomas Hudner được giới chức Bắc Triều Tiên chào đón ở sân bay Bình Nhưỡng, 20/7/2013
Một phi công Hải quân Mỹ tham dự Chiến tranh Triều Tiên đáp máy bay dân sự đến Bắc Triều Tiên ngày thứ Bảy để tìm hài cốt của người bạn phi công ông đã cố hết sức nhưng không cứu được cách đây 63 năm - một hành động khiến ông đã được ban thưởng huân chương cao quí nhất của quân đội Mỹ.

Ông Thomas Hudner, 88 tuổi, một thành viên của một toán tìm kiếm tư nhân được nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên cho phép đi tìm hài cốt của bạn ông là Thiếu úy Hải quân Jesse Brown và chiếc máy bay F4 Corsair loại do hai ông lái tại Hagaru-ri nằm dưới chân hồ chứa nước Chosin.

Ông Hudner nói với Đài VOA là ông Jeese Brown cần được giúp đỡ dù sau khi đã chết.

Chuyến đi chưa từng có từ trước tới nay vào Bắc Triều Tiên, một quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ hy vọng soi sáng được câu chuyện cảm động trong lịch sử chiến tranh của không quân.

Ông Hudner nói tiếp: “Khi có cơ hội trở lại Bắc Triều Tiên, lúc đầu tôi rất nghi ngờ. Hầu như không thể tin được và tôi vui mừng thấy có rất nhiều người quan tâm đến việc này.”

Ông Jesse Brown là người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên được hải quân Mỹ huấn luyện để trở thành phi công. Trong chuyến bay chiến đấu lần thứ 20, ông đáp chiếc máy bay phản lực bị trúng đạn của ông xuống gần một sườn núi gần như dựng đứng bị tuyết bao phủ vào ngày 4 tháng 12 năm 1950.

Hai ông Brown và Hudner có nhiệm vụ không trợ cho khoảng 8.000 Thủy quân lục chiến bị một số đông binh lính Cộng sản Trung Quốc tấn công trong thời tiết dưới không độ.

Từ máy bay của mình Trung úy Hudner nhận thấy ông Brown sống sót trong vụ máy bay rớt này và còn sống trong chiếc máy bay phản lực bị nhăn nhúm.

Ông Hudner quyết định đáp máy bay của ông cách ông Brown 100 mét. Theo yêu cầu của ông Hudner, một máy bay trực thăng của thủy quân lục chiến thả một chiếc rìu để ông có thể cứu ông Brown ra khỏi phòng lái bằng kim loại bị bẹp dúm.

Ông Hudner không thành công. Thủy quân lục chiến Mỹ thuyết phục để đưa ông đến nơi an toàn trước khi trời tối và mang theo lời trăn trối của ông Brown: “Nói với Daisy là tôi yêu Daisy.”

Lúc đầu, ông Thomas Hudner bị khiển trách vì cố tình phá hủy chiếc máy bay trị giá nhiều triệu đô la trong một hành động mà nhiều sĩ quan cấp trên xem như là điên rồ. Tuy nhiên quân đội Mỹ sau đó đã thay đổi cách nhìn.

Tổng thống Harry Truman cuối cùng tuyên nhận Hudner như một anh hùng và tặng ông Huân chương Danh dự đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai vì lòng dũng cảm và gan dạ không màng nguy hiểm cho chính mình.

Cuộc đình chiến năm 1953 chấm dứt các hoạt động thù nghịch tại Triều Tiên nhưng diễn ra sau khi cuộc chiến kéo dài 3 năm tàn phá bán đảo này. Vài trăm ngàn chiến binh tử trận và có hơn hai triệu thường dân thiệt mạng hay bị thương.

Những lực lượng đối nghịch nhau—quân đội Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo (gồm cả binh sĩ Nam Triều Tiên) và bên kia là quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chưa hề ký một hòa ước, có nghĩa là về phương diện kỹ thuật, chiến tranh vẫn tồn tại với vĩ tuyến 38 tiếp tục là một ranh giới trên thực tế.

Đối với một người được Huân chương Danh dự của Mỹ bay trở lại miền Bắc vào năm 2013, dù vì lý tưởng cao quý vẫn có thể gây nên những chỉ trích đối với ông Hudner tại nước Mỹ.

Ông Hudner công nhận: “Vâng, tôi quan tâm đến việc này, nhưng tôi nghĩ có đủ người tại Hoa Kỳ đứng về phía ông Brown và những gì ông bảo vệ và chắc chắn sẽ không muốn cản đường tìm ông vì nhiều năm trước đây, tôi đã bỏ ý định có thể tìm lại ông. Tôi cảm thấy là lúc này Bắc Triều Tiên chắc chắn đã tìm thấy xác máy bay rớt.”

Trong số những người hy vọng nỗ lực tìm kiếm này sẽ thành công có vợ góa của ông Brown.

Ông Hudner nói: “Bà vui mừng khôn xiết về việc này. Con trai, con gái và các cháu của bà hầu như cũng ước ao như bà.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG