Đường dẫn truy cập

Mẹ phi công Mỹ hy sinh ở VN biến nỗi đau thành hành động nhân đạo


Năm nay đã 89 tuổi, nhưng bà Rae Cheney (phải) vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động của PeaceTrees.
Năm nay đã 89 tuổi, nhưng bà Rae Cheney (phải) vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động của PeaceTrees.

Bà Rae Cheney có con trai hy sinh ở chiến truờng Việt Nam cách nay hơn 40 năm, nhưng nỗi mất mát ấy đã không trở thành niềm hận thù, mà trái lại bà đã biến niềm đau thành hành động nhân đạo. Năm nay đã 89 tuổi nhưng bà vẫn tích cực cùng con gái, bà Jerilyn Brusseau, giúp người dân Việt Nam trong sứ mạng mang lại sự bình yên và an toàn cho người dân và đặc biệt là trẻ em Việt Nam.

Vào những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1969, trong khi yểm trợ cho đồng đội, chiến đấu cơ của Daniel Cheney bị trúng đạn khiến anh thiệt mạng khi mới 21 tuổi.

Ở cách chiến trường đó nửa vòng trái đất, mẹ anh, bà Rae Cheney không tin nổi sự thật là bà đã vĩnh viễn mất đi đứa con trai duy nhất trong số 3 người con của mình.

“Mất đi đứa con là một nỗi bàng hoàng lớn nhất mà một người mẹ phải trải qua. Tôi thực sự rất đau đớn, nhưng con trai tôi đã lựa chọn con đường quân ngũ, chúng tôi rất tự hào về lòng yêu nước của cháu. Đó thật sự là một khoảnh khắc vô cùng khó khăn khi phải chấp nhận sự thực là con trai tôi đã thua trên chiến trường. Nhưng cũng vào lúc đó tôi và cả chồng tôi đều không nghĩ về cuộc chiến tranh, tôi và chồng tôi quá đau đớn vì nỗi mất mát đó.”

Sự ra đi của Daniel không chỉ để lại nỗi đau trong lòng người mẹ, mà chị gái anh, bà Jerilyn Brusseau cũng choáng váng trước cái chết của em trai mình. Bà nói rằng bà không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc chiến tàn khốc đến như vậy, một cuộc chiến mà những người trẻ tuổi và thông minh như em trai bà đã phải hy sinh tính mạng của họ.

Nhưng không vì nỗi mất mát ấy mà bà Jerilyn coi đất nước và con người Việt Nam là những kẻ thù, bà tự nhủ một ngày nào đó khi chiến tranh kết thúc bà sẽ quyết tâm làm một điều gì đó để hàn gắn vết thương chiến tranh và nối nhịp cầu hòa bình và hữu nghị giữa người dân Mỹ và Việt Nam.

“Ngay cái khoảnh khắc mất mát ấy, tôi chỉ có thể nghĩ đến cha mẹ tôi và tất cả những gì họ đã làm. Họ đã dành tình yêu thương cho em trai tôi, nuôi nấng em trai tôi ăn học, và dạy dỗ để em trai tôi trở thành một người tốt. Nhưng cũng ngay chính khoảnh khắc ấy tôi cũng nhận ra rằng hàng ngàn người cha, người mẹ khác ở Việt Nam cũng đã mất đi những người con của họ. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi nỗi mất mát không gì bù đắp nổi đó đối với gia đình họ. Và lúc đó tôi như nhìn thấy một cánh tay đang giang rộng, một hình ảnh rằng một ngày nào đó gia đình tôi cũng có thể giang rộng vòng tay để khắc phục những vết thương của chiến tranh, và tìm cách xây một nhịp cầu của sự tin tưởng và hiểu biết để đem lại sự trân trọng và phẩm giá tới tất cả những gia đình đã phải chịu nhiều đau thương và mất mát.”

Rồi chiến tranh cũng kết thúc, nhưng quyết tâm đó cũng chỉ là ước mơ khi Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận cho mãi cho tới năm 1995 khi tổng thống Bill Clinton công bố việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngay khi đọc những dòng tin tức về sự kiện đó, bà Jerilyn cùng chồng, ông Danaan Parry, nhận ra rằng đã đến lúc tổ chức mang tên PeaceTrees của họ có thể biến quyết tâm thành hiện thực.

Với sự đồng ý giúp đỡ của bạn bè và sự ủng hộ của ông Lê Văn Bàng, đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ, chưa đầy một năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đầu tháng 1 năm 1996, hai vợ chồng bà Jerilyn đã ngay lập tức sang Việt Nam để bàn về việc giúp Việt Nam rà phá bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến. Trong cuộc gặp đại diện của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị ở tỉnh Quảng trị họ cũng đồng ý sẽ cử 40 tình nguyện viên Mỹ sang Việt Nam để trồng cây trên mảnh đất đã được dọn sạch bom mìn đó.

Bà Jerilyn nhớ lại một kỷ niệm mà bà không thể quên về một đứa trẻ khi đó mới 6 tuổi đã bị mất một cánh tay và một mắt trái còn anh trai thì bị thiệt mạng ngay tại chỗ khi hai anh em đụng phải một quả mìn ở trong vườn nhà.

“Chính cuộc gặp với cậu bé đó cùng gia đình cậu và nhận ra rằng bao nhiêu năm sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn đó những mất mát xảy đến hàng tuần cho các gia đình ở Việt Nam, chúng tôi quyết định rằng chúng tôi phải cùng chung tay hành động để những tai nạn như vậy không còn xảy ra nữa. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tài trợ cho việc dọn dẹp những mảnh bom mìn đó và đem lại sự an toàn cho trẻ em, để các em được lớn lên trong sự bình yên.”

Từ đó PeaceTrees đã trở thành tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đầu tiên được chính phủ Việt Nam cho phép tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo kể từ sau cuộc chiến.

Nhưng ngay trước khi đội tình nguyện viên quốc tế chuẩn bị sang Việt Nam để trồng 2.000 cây trên mảnh đất Quảng Trị vào tháng 11 năm 1996, chồng bà Jerilyn đột ngột qua đời sau một cơn đau tim. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng bà Jerilyn hiểu rằng bà không được phép dừng bước mà phải tiếp tục thay chồng thực hiện sứ mạng còn dang dở.

Bà Rae Cheney, phải, cùng con gái, bà Jerilyn Brusseau.
Bà Rae Cheney, phải, cùng con gái, bà Jerilyn Brusseau.

Đồng cảm với nỗi đau của con gái, nhưng khi đó bà Rae Cheney vẫn hoài nghi về ý định sang giúp đỡ một đất nước nơi con trai mình đã hy sinh. Nhưng rồi một ngày bà nhận ra rằng bà không thể tiếp tục sống tách biệt với thế giới để chìm trong nỗi đau mất mát ấy mãi mãi, mà bà phải làm một điều gì đó để cuộc sống của bà có mục đích hơn. Điều đầu tiên bà có thể làm là viết những lá thư cảm ơn tới những nhà hảo tâm đã tài trợ cho các hoạt động của PeaceTrees.

“Mỗi nét tôi viết trên tấm thiệp cảm ơn đó, trái tim tôi đều hướng tới những người mẹ ở Việt Nam, những người cũng đã đau đớn giống như những gì tôi đã trải qua. Điều đó giúp tôi cảm thấy thanh thản hơn khi biết rằng không phải chỉ có mình tôi phải trải qua sự mất mát đó. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ có thể tự mình nói lên nỗi lòng đó với họ, và điều đó sẽ xảy ra, tôi sẽ bày tỏ tình thương yêu và trái tim rộng mở của tôi tới những bà mẹ ở Việt Nam và tiếp xúc với họ sau bấy nhiêu năm. Bởi vì thời gian không thể hàn gắn được bất cứ điều gì mà chính những gì chúng ta làm theo thời gian mới là điều thực sự có ý nghĩa.”

Trong hơn mười năm qua, bà đã tự tay viết hàng ngàn lá thư như vậy và làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ PeaceTrees trong sứ mạng nhân đạo tại Việt Nam.

Tính tới cuối năm 2009 PeaceTrees Việt Nam đã phá hủy hơn 47.000 bom mìn chưa nổ và dọn sạch 121 hecta đất bị ô nhiễm. Họ đã trồng hơn 41.150 cây ở những khu đất an toàn và xây dựng 100 ngôi nhà mới, 4 trường mẫu giáo và 8 thư viện.

Tháng 9 năm nay, bà Rae Cheney, năm nay đã 89 tuổi, sẽ cùng các tình nguyện viên sang Việt Nam tham dự buổi lễ khánh thành trường mẫu giáo thứ 5 và thư viện thứ 9 ở Việt Nam. Trường mẫu giáo và thư viện này sẽ được dành để vinh danh những bà mẹ có con hy sinh trong chiến tranh cũng như để vinh danh người con mà bà đã mất. Bà Rae nói:

“Tôi quá vui sướng, tôi phải tự véo mình gần như mỗi ngày, bởi ngay cả trong giấc mơ hão huyền nhất tôi cũng không thể tưởng tượng được là có một ngày tôi có thể thực hiện được điều này trong đời. Tôi thực sự biết ơn và vinh dự và không có lời nào có thể tả nổi cảm giác của tôi. Thật không thể tin nổi là có một ngày tôi và con trai tôi lại được vinh danh.”

Năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bà Jerilyn mong muốn thấy hai nước hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong những lĩnh vực như trao đổi văn hóa và giáo dục. Bà cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân và Bộ Ngoại giao cũng như Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ thêm nữa trong công tác dọn dẹp bom mìn ở Việt Nam.

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về PeaceTrees Việt Nam tại địa chỉ http://www.peacetreesvietnam.org/.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG