Đường dẫn truy cập

TT Obama hối thúc phe Cộng hòa ủng hộ việc gia hạn cắt giảm thuế


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Một lần nữa, Tổng thống Barack Obama lại hối thúc các nhà lập pháp Cộng hòa đối lập ủng hộ việc gia hạn cắt giảm thuế lương bổng cho công nhân Mỹ, sắp hết hạn vào cuối năm nay. Ông Obama phát biểu vào lúc phe Dân chủ tại Thượng viện công bố một phiên bản được điều chỉnh của dự luật tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Thông tín viên VOA Dan Robinson chuyên theo dõi các diễn biến tại Tòa Bạch Ốc ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Obama đến phòng họp báo của Tòa Bạch Ốc để đưa ra lời kêu gọi mới nhất với các đảng viên Cộng hòa đề nghị ủng hộ việc gia hạn cắt giảm thuế đã được Quốc hội thông qua trong khuôn khổ một thỏa thuận về ngân sách hồi năm ngoái.

Tuần trước, một dự luật của đảng Dân chủ bao gồm đề nghị một khoản thuế phụ thu đối với những người Mỹ có thu nhập cao đã bị bác, cũng như một dự luật của đảng Cộng hòa bù đắp việc gia hạn cắt giảm thuế bằng việc cắt giảm mạnh lực lượng nhân viên liên bang.

Trong lời phát biểu, Tổng thống Obama nêu ra những nhận định mới đây của giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện về tầm quan trọng của việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế và kêu gọi họ ủng hộ việc gia hạn này.

Ông Obama nói: “Xin hãy giữ lời hứa với dân chúng Mỹ và đừng tăng thuế ngay lúc này. Đây không phải là lúc đạp thắng; Đây là thời điểm phải duy trì nền kinh tế, tiếp tục tạo dựng công ăn việc làm, tiếp tục dành cho người lao động Mỹ sự thúc đẩy mà họ cần đến .”

Tổng thống nói ông sẵn sàng làm việc với phe Cộng hòa để gia hạn việc cắt giảm thuế lương bổng “một cách có trách nhiệm,” nhưng ông nói ông nhất quyết không làm như thế theo một cách “thực sự có hại cho nền kinh tế.”

Trong khi đó, trưởng khối đa số tại Thượng Viện, ông Harry Reid của đảng Dân chủ, chính thức loan báo một phiên bản đã được điều chỉnh của dự luật của đảng Dân chủ đã không được Thượng viện thông qua trong tuần trước.

Ông Reid nói dựa vào cuộc biểu quyết tuần trước, ông không chắc rằng phe Cộng hòa muốn ngăn cản việc cắt giảm thuế bị đáo hạn, tác động đến khoảng 160 triệu người Mỹ.

Ông Reid nói: “Phe Cộng hòa cần phải chuẩn bị để gặp chúng ta ở giữa đường. Chúng ta đưa ra một đề nghị nghiêm túc với những nhượng bộ có ý nghĩa, kể cả việc giảm chi mà phe Cộng hòa đã đồng ý rồi.”

Trong số các nhượng bộ, phe Dân chủ đã hạ thấp khoản thuế phụ thu đối với những người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu đôla một năm – một bước mà ông Reid cho là nhắm làm cho đề nghị mới dễ được phe Cộng hòa chấp nhận hơn. Dự luật đã hiệu đính dự trù sẽ bớt được tổn phí khoảng 180 tỷ đôla so với dự luật 265 tỷ đôla đã bị bác trong cuộc biểu quyết tuần trước.

Nhưng tại diễn đàn Thượng viện, nghị sĩ Cộng hòa Jon Kyl gợi ý rằng các khoản cắt giảm thuế lương bổng hiện hành không giúp ích bao nhiêu cho nền kinh tế.

Ông Kyl nói: “Có thể lập lậun rằng đây là một chính sách kinh tế rất tồi tệ. Không có bằng chứng là khoản cắt giảm thuế tạm thời này đã thực sự đem lại công ăn việc làm mới nào, đó là khái niệm toàn bộ.”

Các nhận định của Tổng thống Obama hôm qua lập lại một thông điệp mà ông đã tìm cách chuyển đi trong những chuyến du hành mới đây trên khắp nước, phối hợp việc vận động cho cuộc tổng tuyển cử vào năm tới với việc quảng bá các chính sách kinh tế của ông.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói một bài phát biểu mà ông Obama sắp đọc vào ngày hôm nay tại tiểu bang Kansas miền trung tây sẽ là một nỗ lực định hình cho cuộc tranh luận toàn quốc về nền kinh tế.

Ông Carney nói: “Bài phát biểu của Tổng thống sẽ tóm lược các cuộc tranh luận mà chúng ta đã có trong năm nay về chính sách kinh tế của chúng ta và về tương lại kinh tế của chúng ta.”

Năm 1910, Tổng thống Theodore Roosevelt đã dùng một bài phát biểu tại Kansas để hô hào cho sự bình đẳng về thu nhập và cơ hội bình đẳng, và nói rằng chính phủ liên bang có nghĩa vụ phải đóng một vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm công lý xã hội.

Tòa Bạch Ốc cho hay ông Obama sẽ nói về một “thời khắc thành công vĩ đại hay thất bại hoàn toàn” đối với giới trung lưu Hoa Kỳ và tất cả những người lao động phải tham gia, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đồng lòng hy sinh trong các nỗ lực sửa đổi nền kinh tế quốc gia.

VOA Express

XS
SM
MD
LG