Đường dẫn truy cập

Nhiều đảng phái Thái Lan phản đối dự thảo hiến pháp


Ông Meechai Ruchupan, người đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan, trong cuộc họp báo tại quốc hội ở Bangkok, ngày 29/3/2016.
Ông Meechai Ruchupan, người đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan, trong cuộc họp báo tại quốc hội ở Bangkok, ngày 29/3/2016.

Giới lãnh đạo đảng Dân chủ, đảng lâu đời nhất Thái Lan, đã cùng với các đảng khác lên tiếng phản đối một bản dự thảo hiến pháp được quân đội ủng hộ. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, việc đảng Dân chủ cùng với các đảng khác kêu gọi bác bỏ dự thảo này đã làm dấy lên nguy cơ đối với cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Tám năm nay.

Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, công khai chỉ trích dự thảo hiến pháp mới. Ông nói đó là “một sự thụt lùi về dân chủ”.
Trong cuộc họp báo cuối ngày hôm qua, ông Abhisit nói rằng dự thảo này bóp méo ý chí dân chủ và làm suy yếu quyền lực của người dân so với chính quyền.

Ông cũng chỉ trích dự thảo đã tước đoạt quyền tham gia tiến trình chính trị của người dân.

Chính quyền quân nhân, lên nắm quyền năm 2014, đã kêu gọi sửa đổi một dự thảo hiến pháp lần hai mới hoàn tất để bao gồm việc quân đội bổ nhiệm thượng viện gồm 250 thành viên.

Điều này khác với một bản sơ thảo khác của uỷ ban soạn thảo hiến pháp, theo đó thượng viện sẽ có 200 thành viên và những người đó được bầu chọn từ các tổ chức và các nhóm xã hội ở Thái Lan.

Một đảng phái chính trị lớn khác là Pheu Thai cũng đã phản đối dự thảo và kêu gọi các cử tri bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Tám này.

Pheu Thai là đảng bị phe quân nhân lật đổ năm 2014.

Một số đảng viên của đảng này đã bị quân đội câu lưu trong một thời gian ngắn để tiến hành điều gọi là những cuộc nói chuyện nhằm “điều chỉnh thái độ”, trong lúc chính phủ dự định thiết lập thêm các trại tạm giam để giam giữ lâu hơn.

Ông Smarn Lerthgrath, một thành viên cao cấp của đảng Pheu Thai, cho biết ông hoan nghênh lập trường của đảng Dân chủ đối với dự thảo hiến pháp mặc dù họ đã có thái độ chậm chạp.

"Nếu quí vị nghĩ rằng Thái Lan cần có dân chủ thì quí vị phải phản đối bản dự thảo hiến pháp. Vấn đề là những người của đảng Dân chủ đã bày tỏ thái độ một cách rất chậm chạp. Nhưng dù sao thì chậm vẫn còn hơn. Họ phải làm như vậy."

Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.

Ông Smarn cũng ca ngợi cựu Thủ tướng Abhisit.

"Những gì mà ông Abhisit nói ngày hôm qua là tốt cho đất nước chúng tôi. Tôi nghĩ rằng một cuộc bầu cử với những luật lệ không dân chủ là không tốt."

Có tin cho hay Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đả kích những người chỉ trích dự thảo hiến pháp. Ông nói rằng quân đội cứ tiến hành cải cách, và nếu cải cách thành công, các đảng chính trị sẽ mất đi sự ủng hộ của người dân.

Ngày hôm nay ông Prayuth yêu cầu làm rõ vấn đề là những gì sẽ xảy ra nếu dự thảo hiến pháp bị bác trong cuộc trưng cầu dân ý.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy hầu hết những người được hỏi ý kiến ủng hộ hành động của quốc hội do quân đội hậu thuẫn nhằm đưa vào cuộc trưng cầu dân ý ngày 7 tháng 8 câu hỏi về một vai trò lớn hơn của thượng viện.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.

Cho tới giờ này, cuộc trưng cầu dân ý chỉ có một câu hỏi cho dân chúng là họ có ủng hộ hiến pháp mới hay không và kết quả sẽ được định đoạt với đa số quá bán.

Ông Kraisak Choohavan, một nhà tranh đấu nhân quyền thuộc đảng Dân chủ, cho rằng bước kế tiếp trong tiến trình soạn thảo hiến pháp hiện chưa rõ ràng vì các đảng chính có phần chắc là chống đối cuộc trưng cầu dân ý.

"Tại sao chúng ta lại tổ chức trưng cầu dân ý trong lúc hai đảng lớn nhất – thật ra là ba đảng, đều chống đối? Nó sẽ không diễn ra. Bởi vì có thể nói là bộ luật cao nhất nước đang thụt lùi cho nên chúng tôi sẽ không tiến tới."

Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp dự thảo hiến pháp bị bác bỏ vào tháng 8, chính quyền quân nhân có thể chọn một bản dự thảo trước đó với những điều khoản tu chính và không có sự tham dự của công chúng để đưa đất nước tiến tới cuộc bầu cử quốc hội kế tiếp, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.

Các nhân vật tranh đấu cảnh báo sẽ có những vụ phản kháng trong những tháng tới đây, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chính quyền quân nhân nhất định xúc tiến các dự án phát triển qui mô lớn.

Mặc dầu vậy, các nhà phân tích nói rằng tầng lớp trung lưu ở Thái Lan, một sức đẩy chính trong các cuộc phản kháng chính trị trước đây, hiện giờ không hoạt động tích cực và nhiều người cảm thấy lo lắng sau nhiều năm xung đột chính trị và những sự bất định của một nền kinh tế trì trệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG