Đường dẫn truy cập

Người Hàn Quốc (3)


Người Hàn Quốc (3)
Người Hàn Quốc (3)

Nhiều người, nghe tin tôi mới đi Hàn Quốc về, hỏi một câu giống nhau: Người Hàn Quốc có đẹp không?

Tôi hiểu lý do tại sao họ hỏi như vậy. Người Việt Nam, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, thường mê phim Hàn Quốc. Mà trong phim Hàn Quốc thì hầu như ai cũng đẹp. Nhiều người còn khẳng định: đẹp hơn hẳn tài tử các nước Á châu khác. Tôi không thường xem phim Hàn Quốc nên không dám có ý kiến về việc ấy. Nhưng tôi thấy trong cộng đồng người Hàn ở Úc cũng như ở Mỹ có khá nhiều người đẹp. Nét đẹp của họ rất giống Tây phương: da trắng, mũi cao và thanh, mắt hai mí và sâu, môi miệng và răng cũng đẹp.

Với câu hỏi ấy, tôi phải nói thật là: tôi không thấy họ đẹp lắm.

Dĩ nhiên, cần nói ngay: cái đẹp là điều rất tương đối. Cái đẹp của một sắc dân lại càng tương đối. Bởi đó là một số đông, riêng trường hợp của Hàn Quốc, đến gần 50 triệu người. Ngoài ra, còn có vấn đề thói quen. Chúng ta quen nhìn người Việt Nam, dễ thấy là người Việt Nam đẹp. Và vấn đề văn hóa: chịu ảnh hưởng của văn hóa đại chúng ở phương Tây, chủ yếu qua phim ảnh và tạp chí thời trang với những người mẫu và siêu mẫu dáng cao, da trắng, mũi thẳng, chúng ta rất dễ thấy là người Tây phương đẹp.

Biết là tương đối, nhưng tôi cũng cố nêu lên vài nhận xét chủ quan: Theo tôi, thứ nhất, người Đại Hàn ở Hàn Quốc, nói chung, không đẹp như các tài tử điện ảnh của họ cũng như nhiều người Đại Hàn khác sống ở Tây phương; thứ hai, sự khác biệt giữa người mà tôi cho là đẹp và những người có nhan sắc trung bình khá lớn.

Xin nói thêm một chút về nhận xét thứ hai: Ví dụ, đi trên đường phố ở Việt Nam hay các nước Tây phương, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp những người rất đẹp và những người rất không đẹp. Nhưng cả hai gần như là những ngoại lệ. Còn lại, phần lớn đều không có sự khác biệt nhiều. Dĩ nhiên vẫn có sự hơn kém. Nhưng khoảng cách giữa sự hơn kém ấy không quá lớn.

Ở Hàn Quốc, ngược lại, quan sát ngoài đường, tôi thấy có hiện tượng: có một số người rất đẹp, nhưng đám đông chung quanh thì lại rất bình thường. Họ ăn mặc, nói chung, khá thanh lịch, nhưng vẫn rất bình thường. Không có gì nổi bật so với các nước Á châu khác.

Ở các địa điểm du lịch, lúc nào tôi cũng gặp các thầy cô giáo dẫn học trò đi tham quan. Tất cả đều là học sinh tiểu học, khoảng dưới mười tuổi. Tôi tò mò quan sát rất kỹ. Tôi thấy các em, cũng như mọi đứa bé khác, đều kháu khỉnh dễ thương. Nhưng không có nét đẹp gì nổi bật.

Nhận xét ấy khiến tôi nhớ đến một điều khác: Hàn Quốc là nơi rất nổi tiếng, thậm chí, nổi tiếng nhất về kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ. Ví dụ, theo một tài liệu tôi đọc được, vào năm 2009, cứ 10 ngàn dân (đủ mọi lứa tuổi) thì ở Hàn Quốc có đến 74 người đi sửa sắc đẹp. Đó là tỉ lệ đứng đầu thế giới. Kế tiếp là Brazil, chỉ có 55 người; ở Đài Loan, chỉ có 44 người; ở Mỹ, 42 người; ở Nhật Bản, 32 người; ở Thái Lan, 11 người; ở Trung Quốc, 9 người và ở Ấn Độ, chỉ có 6 người. Nói cách khác, tỉ lệ người sửa sắc đẹp ở Hàn Quốc cao hơn Đài Loan 1.7 lần, hơn Mỹ 1.8 lần, hơn Nhật 2.3 lần và hơn Trung Quốc 8.2 lần.


Đó là tỉ lệ trên dân số nói chung. Riêng đối với phụ nữ ở lứa tuổi đôi mươi thì khoảng một nửa đã từng trải qua một số cuộc giải phẫu thẩm mỹ ở các mức độ khác nhau. Điều đáng chú ý là, số phụ nữ thực sự mong ước được sửa sắc đẹp còn nhiều hơn thế. Chỉ có điều là họ chưa có điều kiện thực hiện được mong ước ấy. Ngoài ra, còn có hai điều đáng chú ý khác:

Một, về giới tính, không phải chỉ có nữ giới mà cả nam giới cũng muốn đi sửa sắc đẹp; và trên thực tế, nhiều người đã đi sửa sắc đẹp.

Hai, về tuổi tác, độ tuổi đi sửa sắc đẹp càng ngày càng nhỏ xuống. Trước, thường là những người trưởng thành và đã có công ăn việc làm; sau, là sinh viên và học sinh, có khi chỉ là học sinh những năm đầu của trung học. Báo chí tường thuật, nhiều gia đình treo giải thưởng cho con cái sau các kỳ thi, chủ yếu là thi tốt nghiệp trung học: một món tiền để đi thẩm mỹ viện.

Sửa sắc đẹp là sửa gì? Nhiều nhất là làm cho mắt có hai mí và sâu hơn. Sau đó là làm cho mũi cao và kín. Sau nữa là làm cho môi có hình trái tim và mọng đỏ. Rồi đến da, ngực, tóc, mông, v.v...

Một vấn đề khác, quan trọng hơn: Tại sao người Đại Hàn lại thích đi sửa sắc đẹp đến như vậy? Câu trả lời đầu tiên là do ảnh hưởng của phim ảnh. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những nơi sản xuất phim ảnh đại chúng phổ biến nhất ở châu Á. Phim tập Hàn Quốc tràn ngập khắp nơi, kể cả Việt Nam lẫn cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Dân Hàn Quốc lại càng mê phim ảnh của họ.

Cũng giống như phim ảnh Hollywood từng làm thay đổi nền văn hóa hình thể ở Tây phương; phim ảnh Hàn Quốc cũng làm thay đổi văn hóa hình thể, trước hết, ở ngay trong nước họ. Ai cũng muốn mình đẹp như tài tử. Nếu không may mắn có nhan sắc sẵn thì đành nhờ các chuyên viên thẩm mỹ. Giới quảng cáo thẩm mỹ viện ở Hàn Quốc càng làm cho làn sóng đi sửa sắc đẹp dâng cao khi họ mở những cuộc thi ảnh đẹp trên internet. Giới trẻ tham gia rất đông. Nghe nói đó là những website được nhiều người xem nhất ở Hàn Quốc. Hậu quả: nó tạo nên một chạy đua ào ạt vào các thẩm mỹ viện.

Ngoài ra còn có lý do mê tín: Người ta tin là họ có thể trở thành giàu có nếu xóa bỏ đi một số khuyết điểm trên gương mặt. Cuối cùng, người ta xem nhan sắc như một cách đầu tư. Với các cô gái trẻ, sửa sắc đẹp có thể có giúp có được chồng giàu và có thế lực. Với những người đã có gia đình, sửa sắc đẹp giúp người ta dễ dàng thăng tiến trong nghề nghiệp.

Chuyện làm đẹp là tâm lý tự nhiên của con người. Nhưng việc ùn ùn kéo nhau đi sửa sắc đẹp như ở Hàn Quốc, tự nó, lại là một vấn đề. Nhiều người cảm thấy bảng giá trị xã hội ở Hàn Quốc bị đảo lộn. Thay vì đề cao đạo đức, trí thức hay tài năng, người ta lại quá chú tâm đến nhan sắc.

Ngược hẳn với quan niệm của Nho giáo vốn là một trong những nền tảng của văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG