Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry thúc đẩy việc triển khai 'Lực lượng Bảo vệ' tại Nam Sudan


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước một cuộc họp song phương Nairobi, Kenya, ngày 22 tháng 8 năm 2016.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước một cuộc họp song phương Nairobi, Kenya, ngày 22 tháng 8 năm 2016.

Nam Sudan đứng đầu lịch trình làm việc khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và bộ trưởng ngoại giao các nước Kenya, Uganda, Sudan, Somalia và Nam Sudan tại Nairobi vào lúc bắt đầu chuyến viếng thăm ba quốc gia của ông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ loan báo sẽ cấp 138 triệu đôla viện trợ mới cho Nam Sudan để mua thực phẩm, nước uống, và thuốc men cho những người cần đến.

Ông cũng đưa ra một cảnh báo đối với giới lãnh đạo nước này.

Ông Kerry nói “Nhưng tôi muốn nói rõ và đặc biệt tôi nghĩ là điều quan trọng đối với dân chúng Mỹ, những người đang nỗ lực trợ giúp, tôi nói đến những người chịu thuế tại Mỹ và chúng tôi nói rất rõ, là viện trợ này không phải kéo dài mãi mãi, chúng tôi không phải chỉ điền vào chỗ trống. Chúng tôi không cung cấp viện trợ không có giới hạn nếu các giới chức lãnh đạo không muốn nhận trách nhiệm và làm những việc cần thiết để đưa viện trợ này đến với người dân. Thông điệp này được đưa ra rõ ràng và minh bạch ngày hôm nay.”

Ông Kerry cũng nói đến sự khẩn thiết triển khai 4.000 binh sĩ thuộc lực lượng bảo vệ vùng tại Nam Sudan vừa mới được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép. Tổng thống Kenyatta cám ơn chính phủ Mỹ đã bảo trợ cho nghị quyết này.

Ông Abdullahi Boru Halakhe, một nhà phân tích về an ninh nói đây là vì lợi ích của nhiều nước Đông Phi khi lực lượng bảo vệ này được triển khai. Ông nói thêm là con đường duy nhất để ổn định thủ đô Juba hiện nay là làm như vậy.

Ông Halakhe nói “Những nước như Kenya và Uganda đang tiếp nhận người tị nạn Nam Sudan. Những người này đã nhận được trợ giúp, việc duy nhất còn lại có lẽ là phái lực lượng gìn giữ hòa bình đến. Chính phủ Nam Sudan của tổng thống Salva Kiir đã không chu toàn trách nhiệm trong việc này, nhưng không có giải pháp nào khác. Ông Riek Machar không thể trở lại vì một con số đáng kể quân đội của ông đã bị tiêu hao nên ông không tin là ông Salva Kiir sẽ giao quân đội cho ông Machar.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) trao đổi với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trong cuộc họp song phương ở Nairobi, ngày 22 tháng 8 năm 2016.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) trao đổi với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trong cuộc họp song phương ở Nairobi, ngày 22 tháng 8 năm 2016.

Những vụ đụng độ chết người

Hoa Kỳ đề nghị triển khai lực lượng bảo vệ sau những vụ đụng độ tại thủ đô Nam Sudan trong tháng trước làm khoảng 300 người thiệt mạng và khiến cho lãnh tụ đối lập Riek Machar phải trốn khỏi nước.

Ngoại trưởng Kerry nói “Điều tôi muốn nhấn mạnh đây không phải là một lực lượng can thiệp nhưng đây là một lực lượng bảo vệ, được ủy nhiệm rất rõ ràng là có thể bảo vệ người dân tiếp cận, tự do di chuyển và người dân không bị tấn công hay phục kích từ bất cứ lực lượng nào. Đây là lực lượng hỗ trợ cho chủ quyền và những nỗ lực của chính Nam Sudan. Và tôi nghĩ chúng tôi đã làm rõ điều này ngày hôm nay, trong những cuộc thảo luận với những người tham dự có liên hệ đến đề tài này.”

Ngoại trưởng Kerry cũng loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 117 triệu đôla để giúp những người tị nạn, những người trở về và các nạn nhân hạn hán tại Somalia. Ông nói thêm 20 triệu đôla khác sẽ được trao tặng cho cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc để giúp những người tị nạn Somalia ở Kenya tự nguyện và an toàn trở về nhà, chủ yếu là những người từ trại tị nạn Dadaab.

Tiếp sau một cuộc họp kín trước đây, một tuyên bố của ông Kenyatta “bày tỏ hy vọng” là Somalia sẽ tuân thủ lịch trình bầu cử tổng thống, dự trù vào ngày 30 tháng 10. Ông cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng Quân đội Quốc gia Somalia khi Liên hiệp châu Phi rút phái bộ khỏi Somalia vào năm 2018.

Nhà phân tích về An ninh và Sừng châu Phi Abdiwahab Abdisamad Abdisamad nói việc cải cách quân đội quốc gia Somalia là phương cách duy nhất để phục hồi an ninh và ổn định của nước này.

Ảnh tư liệu - Các thành viên của Lực lượng Quốc phòng Kenya cầu nguyện để tưởng nhớ các binh sĩ Kenya phục vụ trong Phái bộ Liên hiệp châu Phi tại Somalia (AMISOM) đã thiệt mạng ở El Adde trong một vụ tấn công.
Ảnh tư liệu - Các thành viên của Lực lượng Quốc phòng Kenya cầu nguyện để tưởng nhớ các binh sĩ Kenya phục vụ trong Phái bộ Liên hiệp châu Phi tại Somalia (AMISOM) đã thiệt mạng ở El Adde trong một vụ tấn công.

Đề nghị cải cách quân đội Somalia

Ông Abdisamad nói “Rất nhiều người đang tự hỏi là trong vòng nửa thế kỷ qua 22.000 binh sĩ của Phái bộ Liên hiệp châu Phi tại Somalia, 10.000 binh sĩ Somalia, đơn vị đặc biệt được Hoa Kỳ huấn luyện và những lực lượng khác trong các vùng tại Somalia, tất cả vượt quá 100.000 binh sĩ đang vất vả chế ngự 5.000 phần tử hiếu chiến. Do đó điều này chứng tỏ là dự án thất bại và rõ ràng việc cải cách quân đội Somalia là một giải pháp tốt hơn.”

Ông Richard Tuta, một chuyên gia về an ninh nội địa Kenya cho rằng Somalia ảnh hưởng nhiều đến an ninh quốc gia Kenya hơn là an ninh quốc gia của Nam Sudan và ưu tiên nên dành cho việc ổn định Somalia.

Ông Tuta nói “Những việc xảy ra tại Nam Sudan không ảnh hưởng trực tiếp đến Kenya, chỉ ảnh hưởng đến vấn đề người tị nạn tại Kenya. Tuy nhiên những gì xảy ra tại Somalia, việc mất an ninh tại Somalia ảnh hưởng trực tiếp đến Kenya. Somalia là trung tâm chỉ huy của al-Shabab. Kenya luôn luôn nhận được hậu quả của những gì xảy ra tại Somalia. Việc Kenya dính líu vào Somalia là vì lợi ích của Kenya nhưng dính líu đến Nam Sudan thì trái ngược lại.”

Ngoại trưởng Kerry nói ông và Tổng thống Kenyatta thảo luận về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cuộc bầu cử trên toàn quốc tại Kenya vào năm 2017, và ông Kerry cho biết thêm Hoa Kỳ đầu tư thêm 25 triệu đôla để hỗ trợ cho tiến trình bầu cử này.

Ông Kerry nói “Tôi hài lòng được thấy tiến trình này đang được thực hiện trong việc cải tổ Uỷ ban Bầu cử Độc lập và Biên giới và tôi yêu cầu nhấn mạnh rằng những bất đồng về chính sách và tiến trình phải được giải quyết bằng những biện pháp hòa bình. Kenya đã có những tiến bộ kể từ cuộc bầu cử năm 2007. Hiện nay vấn đề này tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo các bên là bạo động xảy ra sau cuộc bầu cử đó không bao giờ lặp lại nữa.”

Cuối ngày, ông Kerry gặp các người tham dự Sáng kiến những Nhà lãnh đạo Trẻ châu Phi và Chương trình Nghiên cứu sinh Mandela Washington.

Kế tiếp Ngoại trưởng Kerry sẽ đến Nigeria và sau đó đi thăm Ả Rập Xê-út.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG