Đường dẫn truy cập

LHQ cho phép gửi thêm 4 ngàn binh sĩ tới Nam Sudan


Một chiếc xe bọc thép của Liên Hiệp Quốc trong trại tị nạn ở Juba, Nam Sudan, ngày 25 tháng 7 năm 2016.
Một chiếc xe bọc thép của Liên Hiệp Quốc trong trại tị nạn ở Juba, Nam Sudan, ngày 25 tháng 7 năm 2016.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép triển khai thêm 4.000 binh sĩ tới Nam Sudan, bất chấp chính phủ nước này không tán thành.

Hội đồng hôm 12/8 thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo mà qua đó cũng đe dọa sẽ cấm vận vũ khí đối với chính phủ Nam Sudan nếu nhà cầm quyền nước này không hợp tác với việc triển khai vừa kể. Cuộc biểu quyết gồm 11 phiếu thuận và 4 phiếu trắng của Trung Quốc, Nga, Ai Cập và Venezuela.

Các binh sĩ sẽ được triển khai đến thủ đô của Nam Sudan, Juba, và được phép ‘dùng tất cả các phương tiện cần thiết, kể cả có hành động mạnh mẽ khi cần’ để thực thi nhiệm vụ.

Ông Peter Wilson, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, nói ông thất vọng vì nghị quyết này không bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí tức thì đối với Nam Sudan, nhưng ông cho hay Anh chấp nhận văn bản nghị quyết trên tinh thần thỏa hiệp.

Quyết định của Liên Hiệp Quốc được đưa ra sau các cuộc giao tranh dữ dội hồi tháng trước ở Juba khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có hai binh sĩ gìn giữ hòa bình người Trung Quốc, làm gia tăng quan ngại về khả năng tái diễn nội chiến. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan đã bị chỉ trích vì không bảo vệ được thường dân tại các địa điểm của Liên Hiệp Quốc.

Chính phủ Nam Sudan tuyên bố sẽ chấp nhận số binh sĩ mới nhưng đã lên tiếng phản đối việc số quân này nằm dưới sự chỉ huy của Liên Hiệp Quốc.

Lực lượng mới, gồm các binh sĩ Châu Phi, sẽ nâng tổng số binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan lên khoảng 17.000 người. Lực lượng gìn giữ hòa bình đã có mặt tại Nam Sudan kể từ khi nước này giành được độc lập từ Sudan vào năm 2011.

Giao tranh nổ ra ở Nam Sudan vào tháng 12 năm 2013 khi lực lượng chính phủ trung thành với Tổng thống Salva Kiir chiến đấu chống lại phe nổi dậy do cựu phó tổng thống Riek Machar lãnh đạo. Hai bên đã ký một thỏa thuận hòa bình trong tháng 8 năm 2015, nhưng việc thực thi rất trì trệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG