Đường dẫn truy cập

‘Ngoại giao yểm trợ bằng quân sự cần thiết để đối phó với Triều Tiên’


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) bắt tay Đô độc Harry Harris (L), chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ, khi ông Harris thực hiện chuyến thăm đáp lễ tới dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16 tháng 11, 2017.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) bắt tay Đô độc Harry Harris (L), chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ, khi ông Harris thực hiện chuyến thăm đáp lễ tới dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16 tháng 11, 2017.

Ngoại giao được yểm trợ bằng sức mạnh quân sự là cần thiết để đối phó với hoạt động phát triển phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ tuyên bố ngày 16/11.

Triều Tiên đã phóng thử hàng chục phi đạn dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un trong khi nước này tăng tốc một chương trình vũ khí được thiết kế để cho họ khả năng nhắm mục tiêu tấn công Mỹ bằng một phi đạn gắn đầu đạn hạt nhân.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã bắn hai phi đạn bay ngang qua Nhật Bản và tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ sáu và lớn nhất, khơi lên căng thẳng trong khu vực.

"Rõ ràng, dù ngoại giao phải là nỗ lực chính với Triều Tiên, nó phải là ngoại giao được yểm trợ bởi sức mạnh quân sự đáng tin cậy," Đô đốc Harry Harris nói tại Nhật Bản vào đầu cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung Quốc trong tháng này để mưu tìm sự giúp đỡ nhằm kiềm chế Triều Tiên và một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc sẽ sang Triêu Tiền từ ngày thứ Sáu tuần này.

"Trung Quốc đang gửi một đặc sứ và một phái đoàn đến Triều Tiên - Một bước đi lớn, hãy xem chuyện gì xảy ra!" ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Năm.

Trung Quốc đã nhiều lần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng trong những tháng gần đây chỉ có những cuộc trao đổi cao cấp hạn chế với Triều Tiên. Lần cuối cùng đặc sứ của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên sang Bình Nhưỡng là hồi tháng 2 năm ngoái. Hôm thứ Năm, Trung Quốc cho biết một đề xuất "đình chỉ kép" - theo đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự lớn để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng các chương trình vũ khí - là cách tốt nhất để tiến về phía trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nói với ông Harris rằng ông tin một cuộc tập trận chung gần đây với sự tham gia của lực lượng Nhật Bản và ba hàng không mẫu hạm của Mỹ đã gửi một "thông điệp mạnh mẽ" tới Triều Tiên.

Trong một cuộc hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Shinzo Abe, ông Harris nói rằng cuộc tập trận chung tại Biển Nhật Bản trong chuyến thăm của ông Trump đến khu vực này là "một ví dụ cho thấy quân đội của chúng ta làm việc cùng nhau thế nào."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG