Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên, TQ chỉ trích diễn văn của Thủ tướng Nhật Bản


Biểu tình trước Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Seoul phản đối bài diễn văn của Thủ tướng Nhật trước Quốc hội Hoa Kỳ, 30/4/15
Biểu tình trước Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Seoul phản đối bài diễn văn của Thủ tướng Nhật trước Quốc hội Hoa Kỳ, 30/4/15

Giới hữu trách ở Nam Triều Tiên và Trung Quốc phần lớn chỉ trích bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trước Quốc hội Mỹ. Tại Seoul, có các dấu hiệu cho thấy cuộc tranh cãi về quá khứ thời chiến của Nhật Bản sẽ không gây trở ngại cho công cuộc hợp tác về các vấn đề kinh tế và an ninh.

Trong bài phát biểu hôm Thứ tư trước phiên họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ, thủ tướng Abe bày tỏ sự hối tiếc về cuộc chiến tranh và ngỏ lời thương tiếc những người đã chết.

Nhưng ông Abe không đưa ra những lời lẽ mà các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên và Trung Quốc đã kêu gọi: một lời trực tiếp thừa nhận và xin lỗi về những hành vi tàn ác mà quân đội Thiên hoàng đã phạm trong thời kỳ đế quốc Nhật đô hộ phần lớn châu Á. Đặc biệt, họ muốn Nhật Bản bồi thường về việc ép buộc khoảng 200 ngàn thiếu nữ và phụ nữ làm nô lệ tính dục, còn được gọi là ‘an ủy phụ.’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Nok Kwang-il nói Thủ tướng Nhật Bản đã bỏ lỡ một cơ hội hòa giải chân thực.

Ông nói điều quan trọng là xây dựng lòng tin và quan hệ hợp tác với xã hội quốc tế qua việc chân thành thừa nhận và phản tỉnh về những điều sai phạm trong quá khứ. Nhưng ông nói Nhật Bản đang đi ngược lại con đường đó.

Truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích bài phát biểu là không trực tiếp đề cập đến vấn đề. Tại Bắc Kinh, một người phát ngôn bộ Ngoại giao kêu gọi Nhật Bản “thận trọng’’trong những lời phát biểu về “lịch sử hiếu chiến trước đây của Nhật Bản.”

Trong khi ông Abe tìm cách mở rộng vai trò quân sự, vấn đề này vẫn tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ giữa Tokyo và các nước láng giềng. Ông Abe từng tuyên bố ông sẽ tôn trọng những lời phát biểu tạ lỗi trước đây mà những người tiền nhiệm của ông đã đưa ra.

Trong số các phát biểu này có lời phát biểu của Chánh văn phòng Nội các Nhật Yohei Kono năm 1993, người đã xin lỗi các phụ nữ bị buộc phải phục vụ binh sĩ Nhật Bản tại các nhà chứa dành cho quân đội thời Thế chiến thứ hai. Và còn một tuyên bố nữa năm 1995 của Thủ tướng Tomiichi Murayama. Ông Murayama đã xin lỗi về “tai hại và đau khổ tột cùng” mà Nhật Bản đã gây ra cho dân chúng ở nhiều nước, nhất là dân chúng ở các quốc gia Á châu.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Á châu Đương đại tại trường đai học Temple ở Tokyo, ông Robert Dujarric, nói việc ông Abe không chịu trực tiếp thừa nhận rằng Nhật Bản đã phạm những tội ác là phản ánh những niềm tin của ông:

“Ông ấy có liên lụy tình cảm trong việc này. Tôi nghĩ ta rất khó mà hiểu được có những nhà chính trị đôi khi tin vào những gì mình nói.”

Giáo sư Dujarric nói đưa ra hình thức xin lỗi mà Trung Quốc và Nam Triều Tiên đòi hỏi sẽ không làm mất đi hậu thuẫn chính trị đáng kể cho thủ tướng Nhật Bản. Thay vì thế, ông cho rằng ông Abe sẽ không xin lỗi bởi vì ông ấy tin rằng ông ấy không cần phải làm như thế.

Ông Dujarric nói đối với ông Abe, vấn đề chính trị xung quanh cuộc tranh cãi về nô lệ tính dục thời thế chiến thứ 2 không quan trọng bằng sự cần thiết ông phải đạt được sự nhượng bộ của nông dân gia nhập hiệp ước tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình dương do Hoa Kỳ lãnh đạo:

“Đó là điều phức tạp hơn là vấn đề an ủy phụ, bởi vì ta sẽ không mất hay được phiếu về vấn đề nô lệ tính dục. Ta sẽ có thể mất phiếu và những đóng góp về vấn đề nông nghiệp.”

Ông Abe từng tuyên bố ông muốn tập trung vào tương lai, chấm dứt những hạn chế chủ hòa thời hậu chiến áp đặt cho quân đội Nhật Bản và đóng một vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực.

Nhưng một nhà phân tích về Nhật Bản thuộc Viện Sejong ở Nam Triều Tiên, ông Kim Soung-chul, nói việc ông Abe không chịu thừa nhận quá khứ củng cố thêm những mối quan ngại của Seoul đối với các kế hoạch của Nhật Bản định một lần nữa trở thành một cường quốc quân sự:

“Dân chúng Triều Tiên nghĩ rằng chúng ta dường như có một lịch sử về kinh nghiệm bảo hộ, vì thế về cơ bản chúng ta không muốn Nhật Bản có một quân đội hùng mạnh.”

Nhưng ông Kim Soung-chul nói vẫn còn hậu thuẫn đáng kể ở Nam Triều Tiên dành cho việc hợp tác với Tokyo về thương mại và việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên:

“Vì thế Triều Tiên và Nhật Bản phải hợp tác về nhiều mặt. Và nay lịch sử đã qua chỉ là một khía cạnh của xung đột giữa hai nước, vì thế chúng ta có thể khắc phục, vượt qua xung đột này.”

Ông Kim nói một yếu tố quan trọng ngăn chặn để vụ tranh cãi về quá khứ đừng leo thang thành một xung đột trong tương lai là liên minh vững chắc của Washington với Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG