Đường dẫn truy cập

Myanmar: Tự do ngôn luận bị đe dọa


Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi.
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi.

Các quan sát viên nhân quyền nêu quan ngại về tự do báo chí tại Myanmar sau khi một ký giả tại một nhật báo tiếng Anh cho biết bà bị sa thải sau khi chỉ trích chính phủ về những vụ cưỡng hiếp do binh sĩ Myanmar gây ra.

Bạo động tại tiểu bang Rakhine nhiều xáo trộn ở miền bắc, khởi sự bằng những cuộc tấn công chết người tại các chốt cảnh sát biên phòng ngày 9 tháng 10 vừa qua, đã gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất cho nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi sau 7 tháng cầm quyền.

Quân đội đổ vào vùng này sau những cuộc tấn công mà chính phủ nói rằng do những người Hồi giáo thiểu số có liên hệ với những phần tử hiếu chiến Hồi giáo nước ngoài thực hiện.

Hoạt động của quân đội đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính quyền dân sự của bà Suu Kyi và quân đội vốn đã cai trị đất nước trong nhiều thập niên và vẫn còn giữ những quyền hành trọng yếu kể cả việc kiểm soát các bộ chịu trách nhiệm về an ninh.

Uỷ ban bảo vệ Ký giả quốc tế cho hay các phóng viên nỗ lực tường trình về xáo trộn tại Rakhine đang bị cản trở và quấy nhiễu.

Nhà cầm quyền Myanmar không cho phép ký giả nước ngoài đến khu vực này và truyền thông quốc tế không được mời tháp tùng với các nhà ngoại giao cao cấp đến thăm nước này trong tuần, cho dù truyền thông nhà nước được tiếp cận hoàn toàn.

Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, nói tin tức về bạo động tình dục, giết hại không qua xét xử, và bắt bớ tùy tiện do binh sĩ thực hiện là do những người âm mưu với phe nổi dậy ngụy tạo ra.

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đặc biệt quan tâm đến phản hồi của ông Zaw Htay về một bản tin ngày 27 tháng 10 trên báo Myanmar Times cáo buộc về nhiều vụ hiếp dâm tập thể của binh sĩ Myanmar.

Reuters cũng đưa tin về những cáo buộc này và phỏng vấn 8 phụ nữ tố cáo bị binh sĩ hiếp dâm.

Ông Zaw Htay than phiền về tin này và chỉ trích biên tập viên điều tra đặc biệt Fiona MacGregor trên trang Facebook của ông.

Ngày thứ Sáu, bà McGregor nói với Reuters là vài ngày sau đó bà được ban quản lý tờ báo cho biết bà bị đuổi vì làm tổn hại đến thanh danh của tờ báo

Trong khi đó, ông Zaw Htay nói chính phủ không có gì phải che dấu cả.

Báo Myanmar Times không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận nhưng kể từ đầu tuần tới nay, tờ báo này không đăng bất cứ tin tức gì về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine cả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG