Đường dẫn truy cập

Mỹ: Phe đảo chánh Burkina Faso nên từ bỏ quyền hành


Bà Rice cho biết thêm Hoa Kỳ đang duyệt xét lại sự trợ giúp cho Burkina Faso.
Bà Rice cho biết thêm Hoa Kỳ đang duyệt xét lại sự trợ giúp cho Burkina Faso.

Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, nói Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc đáp ứng với cuộc khủng hoảng tại Burkina Faso.

Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức các Nhà lập pháp Da đen trong Quốc hội ở Washington, bà Rice nói: “Hội đồng quân nhân đảo chánh nên từ bỏ quyền hành và cho phép chuẩn bị trở lại ngay tức thì cuộc bầu cử vào tháng 10 năm nay. Hoa Kỳ đứng cùng nhân dân Burkina Faso trong việc bác bỏ mối đe dọa này đối với tiến bộ dân chủ của họ.”

Bà Rice cho biết thêm Hoa Kỳ đang duyệt xét lại sự trợ giúp cho Burkina Faso.

Sáng ngày thứ Sáu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Linda Thomas-Greenfield nói với Đài VOA là không thể biện minh cho những chuyện gì đã xảy ra. Bà nói: “Đảo chánh không phải là cách để chứng tỏ sự bất bình và phe đảo chánh cũng cần đảm bảo là họ không sử dụng quyền hành để tấn công thường dân.”

Bà Rice nói trong khung cảnh chính trị thường xuyên thay đổi tại Châu Phi, cần phải làm việc nhiều hơn nữa để thay đổi lối suy nghĩ cũ và giải quyết những thách thức đã bám rễ lâu đời, ngay cả sau 4 chuyến viếng thăm của 4 tổng thống đến vùng này, một hội nghị thượng đỉnh tại Washington và ký những thỏa thuận phát triển.

Đầu tư tại châu Phi

Bà Rice cũng nói sự lớn mạnh của châu Phi không phải chỉ quan trọng đối với châu Phi nhưng cũng quan trọng đối với toàn thế giới.

Bà nói: “Không có những thách thức toàn cầu nào để chận đứng biến đổi khí hậu, tăng tiến tăng trưởng kinh tế toàn diện, chấm dứt bạo động của những phần tử cực đoan, có thể đạt được mà không có tiếng nói và sự đóng góp của một tỉ người châu Phi.”

Bà Rice cũng ca ngợi những hoạt động của Tổ chức các Nhà lập pháp Da đen tại Quốc hội Mỹ CBC.

Bà nói: “Trong những năm qua, sự lãnh đạo của quí vị và của CBC đã xây dựng được sự đồng thuận của hai đảng làm được nhiều việc cho châu Phi. Từ việc chống a-pác-thai cho đến ủng hộ Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống chống bệnh AIDS, từ việc đối đầu với nạn diệt chủng tại Dafur để giảm bớt những thống khổ của người dân Nam Sudan cho đến ngăn chận cuộc khủng hoảng Ebola tại Tây Phi.”

Dân biểu Karen Bass, người bảo trợ sinh hoạt này nói điều quan trọng là tiến về phía trước trong thương mại, y tế và cai trị một năm sau hội nghị thượng đỉnh cột mốc Hoa Kỳ-châu Phi.

Dân biểu Bass giải thích: “Chúng tôi bắt đầu ngày làm việc bằng cách đề cập đến cuộc khủng hoảng Ebola. Cuộc khủng hoảng này đã qua rồi nhưng cuộc khủng hoảng cho thấy thực sự cần thiết phát triển hạ tầng cơ sở y tế tại châu Phi. Và sau đó chúng tôi có uỷ ban thảo luận về vấn đề thương mại. Hiện nay Luật về Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi AGOA đã được thông qua, chúng ta cần nhanh chóng thi hành luật này.”

AGOA

Luật về Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi cho phép các quốc gia đủ điền kiện xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến Hoa Kỳ.

Tuy nhiên dân biểu Bass nói điều có thể hiểu được là nhiều nước đủ điều kiện không đạt đến mức phát triển để tiến vào thị trường Hoa Kỳ. Bà nói chẳng hạn như “nếu bạn có một xưởng có thể làm được 50 hay 100 cái ví, nhưng đối với thị trường của chúng tôi bạn cần phải sản xuất được 50.000 cái. Do đó làm thế nào chúng ta có được những nước tại châu Phi là những nước nhỏ hơn có thể hợp tác dể có thể tương tác với thị trường nước Mỹ, là những vấn đề chúng tôi thảo luận đến.”

Dân biểu Bass cũng nói điều quan trọng là chú trọng đến một vài thành công, như cuộc bầu cử mới đây tại Nigeria và Namibia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG