Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện chấm dứt chế độ kiểm duyệt báo chí


Việc nới lỏng kiểm duyệt được loan báo sau nhiều thập niên kiểm soát tin tức
Việc nới lỏng kiểm duyệt được loan báo sau nhiều thập niên kiểm soát tin tức
Miến Ðiện vừa loan báo chính thức chấm dứt việc kiểm duyệt báo chí sau nhiều thập niên kiểm soát gắt gao của chính phủ. Biện pháp cải cách mới nhất này được ký giả và những người ủng hộ báo giới haon nghênh nhưng họ cũng nêu ra rằng vẫn còn những khó khăn cho quyền tự do báo chí. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Giới hữu trách trong ngành báo chí Miến Ðiện hôm nay loan tin các cơ quan truyền thông địa phương không còn phải trình các bài viết lên một ủy ban kiểm duyệt trước khi đăng tải nữa.

Sự thay đổi chính sách được đưa ra sau nhiều thập niên nhà nước kiểm soát những tin tức được loan tải ở Miến Ðiện và lời lẽ các bài viết.

Giới ký giả ở Miến Ðiện hoan nghênh biện pháp cải tổ này.

Ông Ko Ko, phó chủ tịch Hiệp hội Ký giả Miến Ðiện, nói với đài VOA rằng đây là một khúc quanh quan trọng cho giới truyền thông trong nước. Nhưng ông cũng nói rằng cần phải có thêm các biện pháp cải cách khác, trong đó có việc duyệt lại một bộ luật về truyền thông năm 1962 đã lỗi thời hạn chế việc tường thuật.

Ông Ko Ko nói: “Việc bãi bỏ ủy ban kiểm duyệt là một bước đầu. Vì thế, điều thứ hai là việc phê chuẩn một bộ luật mới về truyền thông. Nhưng luật mới về truyền thông cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thể chế dân chủ.”

Bộ luật truyền thông năm 1962 của Miến Ðiện được quân đội thảo ra cùng năm lên nắm chính quyền từ tay một chính phủ dân cử. Bộ luật này buộc các nhà xuất bản phải đệ trình mọi tài liệu in ấn lên các ủy ban duyệt xét báo chí.

Miến Ðiện đã dần dà nới lỏng các biện pháp kiểm soát truyền thông kể từ sau cuộc bầu cử năm 2010 thay thế một chính phủ quân nhân chính thức bằng một chính phủ dân sự trên danh nghĩa.

Các nhà lập pháp Miến Ðiện, tuy vẫn còn bị quân đội chế ngự, đang soạn thảo một bộ luật mới về truyền thôn, và dự trù sẽ biểu quyết về bộ luật này trong nay mai.

Mặc dù các biện pháp hướng tới tự do báo chí nhiều hơn được ca ngợi, giới ủng hộ báo chí vẫn tỏ ra thận trọng.

Ông Johan Bihr là người phát ngôn của tổ chức Ký giả Không Biên giới có trụ sở ở Paris.

Ông Bihr cho biết: “Chúng ta ghi dấu bước quan trọng này, nhưng vẫn trông đợi nhiều hơn. Chúng ta trông đợi sẽ có những hướng dẫn rõ ràng được ghi thành luật lệ để các ký giả biết chính xác những gì họ chịu trách nhiệm, ranh giới là gì và các biện pháp trừng phạt nằm ở đâu. Tính đến giờ này, giới truyền thông địa phương vẫn còn ở trong một tình trạng mù mờ rằng chỉ có thể dựa vào việc tự kiểm duyệt.”

Ông Bihr nêu ra rằng cách đây nhiều tuần lễ, nhà chức trách Miến Ðiện đã đình bản hai vô thời hạn 2 tờ báo trước khi thoái bộ trước sự phản đối của công chúng.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Miến Ðiện vốn đã nắm quyền kiểm soát tất cả các nhật báo và các kênh truyền hình.

Các cơ quan truyền thông tư nhân duy nhất là các tuần báo nhưng được nhiều người đọc vì tính sáng tạo và tìm cách xóa bỏ kiểm duyệt. Nhưng giới phân tích Miến Ðiện nêu ra điểm các ký giả cũng nằm dưới sự tấn công của sự giả dạng bảo vệ an ninh quốc gia.

Ông Aung Thu Nyein làm việc cho Viện nghiên cứu Phát triển Miến Ðiện.

Ông Nyein nói: “Tôi khá chắc chắn rằng cho dù không có ban kiểm duyệt báo chí, nhiều cơ quan chính phủ vẫn tìm cách kiểm soát giới truyền thông.”

Hồi đầu tháng này, nhà chức trách Miến Ðiện bất thần loan báo việc thành lập một hội đồng báo chí mới để theo dõi và hướng dẫn giới truyền thông.

Sự kiện này đã lập tức bị các tổ chức truyền thông phản bác vì cho rằng họ không được tham khảo ý kiến. Họ nói rằng ủy ban không có tính cách độc lập và được ban cho quyền trừng phạt giới truyền thông.

Nhiều người được chỉ định vào hội đồng thậm chí còn không biết họ được chọn cho đến khi được loan báo.

Ông Ko Ko, Phó chủ tịch Hiệp hội Ký giả Miến Ðiện, nhận thấy mình được bổ nhiệm làm thư ký tạm thời cho cơ quan này, và ông đã từ chối.

Ông Ko Ko nói: “Chúng tôi không phải là một cơ quan theo dõi, chúng tôi không phải là một cơ quan độc tài .. Chúng tôi không phải là công an truyền thông.”

Nhiều thành viên khác được bổ nhiệm cũng bác bỏ hội đồng báo chí và chính phủ đã buộc phải đình chỉ việc thành lập. Hiện giờ thì chưa rõ liệu hội đồng có được tái thành lập hay không, và nếu có thì sẽ đóng vai trò nào trong việc theo dõi các cơ quan truyền thông Miến Ðiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG