Đường dẫn truy cập

Miến Điện cam kết không có liên hệ với Bắc Triều Tiên


Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Joseph Yun gặp bà Aung san suu kyi.
Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Joseph Yun gặp bà Aung san suu kyi.

Miến Điện không có quan hệ quân sự với Bắc Triều Tiên, một giới chức Miến Điện ngày 17/7 tuyên bố trong lúc một nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Bắc Triều Tiên đến đây hội đàm mà có phần chắc sẽ mưu tìm những đảm bảo về nỗ lực cô lập Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Joseph Yun dự kiến gặp cố vấn quốc gia Miến Điện Aung San Suu Kyi và Tổng Tư lệnh quân đội tại thủ đô Naypyitaw ngày 17/7 theo tin tòa đại sứ Mỹ ở Rangoon.

Cuối tuần qua, ông Yun đã tham dự một hội nghị tại Singapore chú trọng đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên về những chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Chuyến đi của Đại sứ Joseph Yun đến châu Á được loan báo sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa mà Bình Nhưỡng nói có thể mang một đầu đạn hạt nhân lớn và một số chuyên gia cho là có tầm bắn tới Alaska.

Miến Điện là một chặng dừng chân trong chuyến đi của ông Yun nêu lên quan ngại tại Washington rằng quân đội Miến, vốn có những quan hệ với Bắc Triều Tiên, có thể tiếp tục hỗ trợ chế độ Kim Jong Un.

Hoa Kỳ không thông báo cho Miến Điện biết trước ông Yun sẽ thảo luận những gì trong cuộc gặp này, theo thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Miến Điện.

“Họ không nói rõ từ đầu nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì ông là đặc sứ về Bắc Triều Tiên,” ông Kyaw Zeya nói với Reuters.

Miến Điện tuân thủ những nghị quyết của Liên hiệp quốc về Bắc Triều Tiên, ông Zeya nói.

“Đây là những quan hệ thông thường giữa hai nước,’ ông Kyaw Zeya nói. “Theo chỗ tôi biết, không có quan hệ giữa quân đội với quân đội. Chắc chắn là không.”

Vào tháng 5 năm nay, Hoa Kỳ yêu cầu các nước Đông Nam Á làm nhiều hơn nữa để cô lập Bắc Triều Tiên, và những nỗ lực này đã gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo ngày 4/7.

Cũng như Bắc Triều Tiên, chế độ quân nhân cai trị Miến Điện trước đây bị thế giới bên ngoài xa lánh vì đàn áp nhân quyền và chế độ này được biết có liên hệ đến Bắc Triều Tiên. Những mối quan hệ này bao gồm cả việc Bình Nhưỡng gởi chuyên gia phi đạn và các nguyên liệu sản xuất vũ khí sang Miến Điện.

Miến Điện cam kết là những thỏa thuận về vũ khí và những quan hệ quân sự khác với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt trước khi Miến chuyển sang một chính phủ dân sự vào năm 2011.

Khôi nguyên Nobel Hòa Bình, Aung San Suu Kyi, lên cầm quyền năm ngoái sau cuộc chuyển tiếp từ sự cai trị hoàn toàn của quân đội. Tuy nhiên quân đội vẫn còn “một ít lãnh vực tàn dư” có liên hệ với Bắc Triều Tiên, theo lời nhà ngoại giao cao cấp về Đông Á lúc đó là ông Daniel Russel tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 9 năm 2016.

Vào tháng 3 năm nay, Bộ Tài chánh Mỹ đưa ra những chế tài mới đối với cơ quan lo về mua bán của quân đội Miến Điện là Sở Công nghiệp Quốc phòng (DDI), thể theo Đạo luật Chế tài Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.

Trước đây vào năm 2012, DDI bị chế tài và bị cáo buộc trợ giúp vật chất cho chế độ Bắc Triều Tiên nhưng được bỏ tên ra khỏi danh sách chế tài vào tháng 10 năm ngoái sau khi chính quyền Obama rút hầu hết những biện pháp chống lại Miến Điện để công nhận sự chuyển tiếp chính trị thành công tại nước này.

Dù bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo một chính quyền dân sự, nhưng quân đội Miến Điện vẫn không bị giám sát dân sự.

Hiến pháp 2008 do các tướng lãnh cai trị lúc đó soạn thảo vẫn giữ quân đội là trung tâm chính trị.

Vào tháng 5 năm 2014, các chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh những cơ sở quân sự tại miền trung Miến Điện xác nhận địa điểm Bắc Triều Tiên giúp Miến Điện sản xuất phi đạn đất đối không.

Tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin tại Monterey, California, cho biết địa điểm gần thị trấn Minbu có đến 300 nhân viên Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG