Đường dẫn truy cập

Chiến đấu cơ TQ đáp thành công xuống tàu sân bay Liêu Ninh


Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh.
Các chuyên gia phân tích Tây phương cho rằng việc Trung Quốc vừa hạ cánh thành công một phản lực cơ chiến đấu xuống một hàng không mẫu hạm, tuy là điều đáng kể, nhưng không đề ra các rủi ro tức thời về an ninh quốc tế hay khu vực.

Trong tin tức phổ biến hôm chủ nhật, các cơ quan thông tin nhà nước Trung Quốc nói hải quân đã hạ cánh nhiều phản lực cơ J-15 do Trung Quốc chế tạo xuống hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong tuần lễ vừa qua. Các bản tin nói các chiến đấu cơ cũng đã cất cánh thành công.

Các chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc mô tả các vụ hạ cánh và cất cánh ban ngày là có tính cách “lịch sử” trong các nỗ lực của hải quân muốn khai triển khả năng tác chiến của tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược tại thủ đô Washington, nói với đài VAO rằng tuy đây là một thành quả đáng kể của Trung Quốc, cần phải đặt thành quả đó trong tầm nhìn thích ứng.

“Vụ hạ cánh diễn ra trong thời tiết tốt và vào ban ngày. Hạ cánh một phi cơ xuống một hàng không mẫu hạm vào ban đêm trong thời tiết xấu khó hơn nhiều.”

Tờ China Daily trích lời một nhà nghiên cứu quân sự nói rằng sẽ phải mất ít nhất 2 năm máy bay J-15 mới hoạt động đầy đủ được. Ông cũng tiên đoán tàu Liêu Ninh sẽ cần từ 4 đến 5 năm mới đạt được khả năng tác chiến đầy đù.

Chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc.
Chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích an ninh Á châu Michael McKinley thuộc trường Ðại học Quốc gia Australia nói với đài VOA rằng việc hạ cánh và cất cánh tiêu biểu cho sự ấu trĩ của Trung Quốc trong ngành hàng không hải quân và là một tiến trình dài để đạt được sự tự tin về hoạt động.

Ông nói: “Sự kiện đó không đáng kể về mặt khả năng hải quân hiện thời hay thậm chí ngắn hạn. Trung Quốc còn lâu mới có khả năng dự kiến và bố trí sức mạnh hàng không hải quân đáng kể vượt ra khỏi chu vi duyên hải của họ.”

Chiến đấu cơ J-15 được mô tả là một phản lực cơ chiến đấu đa dụng chở được bằng hàng không mẫu hạm mô phỏng chiến đấu cơ Sukhoi 33 của Nga, trang bị bằng động cơ của Nga và có khả năng chở bom định hướng chính xác.

Ông McKinley nói bất kể các khả năng về chiến đấu cơ, việc bố trí trên hàng không mẫu hạm hiện nay không đề ra một rủi ro về an ninh toàn cầu.

“Ðiều gây đe doạ là nếu Trung Quốc thay đổi các sách lược hàng hải và chính trị qua một lập trường hiếu chiến. Và điều đó sẽ đòi hỏi sự hiện diện của nhiều hàng không mẫu hạm có khả năng bố trí cách xa nhiều trong Ấn Ðộ Dương và ngoài khơi châu Phi. Vào lúc này, và trong tương lai có thể nhìn thấy được, bất cứ khả năng về hàng không hàng hải nào của Trung Quốc bố trí ngoài biển sẽ lệ thuộc vào rất nhiều bất trắc, mà ít nhất sẽ chính là hải quân Hoa Kỳ.”

Bà Glaser nói tuy không đề ra mối đe dọa sắp tới cho Hoa Kỳ, hàng không mẫu hạm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.

“Nó có tiềm năng đưọc sử dụng trong vụ khủng hoảng ở biển Nam Trung Quốc. Nó có thể được sử dụng chống lại các lân quốc. Tôi nghĩ điều đó sẽ khiến cho Hoa Kỳ lo ngại. Nó có tiềm năng tác động tiêu cực tới các quyền lợi của Mỹ. Nhưng nó không đề ra mối đe dọa trực tiếp cho lực lượng Hoa Kỳ hay lục địa Mỹ.”

Trung Quốc mua tàu lúc còn là một hàng không mẫu hạm chưa hoàn tất của Ukraina vào năm 1998 và mất nhiều năm để tân trang tàu.

Tàu sân bay Liêu Ninh đuợc đưa vào hoạt động ngày 25 tháng 9
Tàu sân bay Liêu Ninh đuợc đưa vào hoạt động ngày 25 tháng 9
Tàu Liêu Ninh đưa vào hoạt động vào ngày 25 tháng 9. Bắc Kinh đã bành trướng các khả năng quân sự trong khi cũng đưa ra các khẳng định ngày càng mạnh về chủ quyền lãnh hải. Những khẳng định này đã gây quan ngại ngày càng nhiều cho một số nước láng giềng của Trung Quốc.

Bà Glaser nói Trung Quốc hiểu là muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng họ cần phải có nhiều biện pháp hơn để đáp lại các mối quan ngại trong khu vực. Nhưng bà nói với đài VOA rằng Bắc Kinh đang ở vị thế giữa chừng là hoặc phải bảo vệ điều họ coi là các quyền lợi của họ, và xoa dịu các mối quan ngại của các nước láng giềng.

“Nếu họ nhấn mạnh đến các khả năng quân sự, như có thể bố trí một hàng không mẫu hạm ở Biển Ðông, thì sự kiện đó chắc chắn sẽ có tính cách phản tác dụng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG