Đường dẫn truy cập

Năng lượng sinh học bằng phân bò


Năng lượng sinh học bằng phân bò
Năng lượng sinh học bằng phân bò

Cách đây một thế kỷ, người Mỹ di chuyển chủ yếu bằng ngựa hoặc trâu bò. Bây giờ thì chuyện đó rất hiếm nhưng không vì thế mà người Mỹ không tận dụng năng lượng của các loài vật này. Nói cách khác, người Mỹ tìm được nhiều cách để biến phân bò thành năng lượng để chạy máy móc. Thông tín viên Tom Banse tường trình về dự án hợp tác giữa một trường đại học và một trại nuôi bò sữa tại bang Washington để khai thác phân bò.

Cách đây 5 năm, ông Darryl Vander Haak, một chủ trại nuôi bò sữa, đã bật nút để vặn chiếc máy phát điện đầu tiên chạy bằng phân bò của bang Washington. Trên danh nghĩa chính thức, cơ sở này được gọi là nhà máy xử lý methane.

Phân bò thu hoạch từ khoảng 1.000 con bò được đưa vào một đầu, rồi thông qua cách xử lý, ở đầu kia sẽ thu được methane.

Nguyên liệu thô của máy xử lý này là chất thải của các loại động vật nuôi ở chuồng trại mà nếu không đưa đến nhà máy này thì cũng đem đổ bỏ tại hầm phân nặng mùi của nông trại.

Khí methane này còn được gọi là “khí sinh học”, có thể dùng y như khí đốt để chạy một nhà máy phát điện nhỏ ở ngay bên trong trại nuôi bò. Nếu có dư, người chủ trại mang bán cho nhà máy điện ở địa phương.

Cách tạo chất đốt bằng phân động vật này ngày càng phổ biến, nhất là tại châu Âu, nhưng có điểm khác biệt quan trọng giữa châu Âu và Hoa Kỳ, giá điện tại Mỹ tương đối thấp.

Chủ trại Vander Haak cho biết điện sinh học của ông bán không có lời.

Ông nói: “Chúng tôi đang tìm những cách thay thế khác. Các bang miền tây bắc Hoa Kỳ có quá nhiều nhà máy thủy điện nên chúng tôi khó cạnh tranh. Có lẽ dễ hơn nếu chúng tôi cạnh tranh với các công ty khí đốt.”

Đó là lý do tại sao ông Vander Haak sẵn sàng đồng ý khi viện nghiên cứu xe cộ của trường đại học miền tây Washington ở gần trại ông đề nghị hợp tác giải quyết một số khí methane do nông trại của ông sản xuất.

Ông nói: “Chúng tôi có nhiều khí methane hơn là dự liệu. Tôi nghĩ là nếu nó mang lại lợi ích kinh tế, chúng tôi có thể sẽ còn đóng cửa nhà máy phát điện của nông trại chúng tôi nữa.”

Ông Eric Leonhardt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu của trường đại học Tây Washington xem phân bò của trại nuôi bò là một nguồn nhiên liệu cho việc giao thông vận tải.

Ông nói: “Đây quả thực là chuyện biến bò lực thành mã lực, đó là khẩu hiệu của chúng tôi.”

Ông Leonhardt nói rằng hiện thời vẫn còn có vấn đề là làm thế nào giảm bớt chi phí loại bỏ những chất dơ bẩn của khí methane rút từ phân bò.

Ông nói: “Vấn đề là ở đầu ra của máy xử lý, có 60% là khí methane và độ 40% là khí carbon dioxide. Ngoài ra cũng có một ít chất hydrogen sulfite.”

Các chất dơ này dễ làm mòn các cơ phận của máy.

Chạy xe bằng khí đốt sạch không phải là chuyện mới. Tạo ra nhiên liệu bằng các nguồn tái tạo cũng không phải là chuyện mới. Nhưng xe hơi và xe tải chạy bằng methane vẫn là chuyện mới tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, khí sinh học được chính phủ của Tổng thống Obama chú ý trở lại, trong chương trình rộng lớn, nhằm động viên dân Mỹ sử dụng năng lượng tái tạo.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã cấp cho viện nghiên cứu của trường đại học Tây Washington nửa triệu đôla để cải tiến quy trình hoàn thiện khí sinh học để rồi sau đó chứng minh xem khí này có rẻ hơn xăng dầu đang dùng cho xe cộ hay không.

Ông Leonhardt nói câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào chuyện giá cả của xăng dầu, loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Nếu giá xăng leo lên nữa, chẳng hạn như tăng lên đến một đôla rưỡi một lít, người tiêu dùng sẽ có lý do để đổi sang sử dụng khí sinh học.

Hiện nay giá xăng trung bình tại Mỹ chưa cao tới mức mà ông Leonhardt nghĩ sẽ làm người tiêu dùng đổi ý.

Vào mùa xuân năm nay, Viện Nghiên cứu xe cộ của đại học Tây Washington sẽ gắn thêm một số bộ phận vào một chiếc xe buýt được tặng cho viện để xe này hoàn toàn chạy bằng methane. Phải mất vài tháng cho xe chạy trên khắp các loại đường lộ rồi mới có thể xác nhận ước tính về chi phí mà ông đưa ra.

Trước mắt, viện này đã tính toán là chỉ cần lấy phân của hai trại nuôi bò lớn cũng có thể cung cấp nhiên liệu cho tất cả các xe buýt công cộng của một thành phố tầm cỡ trung bình của Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG