Đường dẫn truy cập

Phe nổi dậy Libya quyết tiếp tục chiến đấu


Giống như những người cùng chiến đấu ở lứa tuổi 20, Halim Barassi đã bất mãn vì thất nghiệp trước khi quyết định cầm súng tham gia phong trào chống ông Gadhafi
Giống như những người cùng chiến đấu ở lứa tuổi 20, Halim Barassi đã bất mãn vì thất nghiệp trước khi quyết định cầm súng tham gia phong trào chống ông Gadhafi

Không giống như những cuộc nổi dậy khác trong khu vực, cuộc nổi dậy được nhiều người biết đến ở Libya đã trở thành một cuộc xung đột vũ trang. Trên tiền tuyến, phe nổi dậy đang phải di chuyển lắt léo đẻ né tránh các cuộc không kích và bắn trả các máy bay chiến đấu của quân đội Libya. Phe nổi dậy gồm nhiều thành phần nhưng cùng có một mong muốn lật đổ nhà cầm quyền lâu đời ở nước này. Thông tín viên VOA Elizabeth Arrott đã nói chuyện với một trong những người xung phong ra tiền tuyến ở khu vực Ras Lanuf do phe nổi dậy chiếm giữ, và ghi lại trong bài tường thuật sau đây.

Abdel Halim Barassi đang đứng canh một giếng dầu ở Ras Lanuf. Đây là một tài sản quan trọng ở đất nước giàu năng lượng này, và là nơi đánh dấu ranh giới các khu vực miền đông mà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đã mất quyền kiểm soát và hiện giờ do phe nổi dậy chiếm giữ.

Các lực lượng của chính phủ đang tìm cách đẩy lui phe nổi dậy ra khỏi vị trí của họ bằng rocket và các cuộc không kích. Barassi là một người trong số đám dân quân tạp nhạp đang sử dụng súng phòng không và súng Kalashnikovs nhằm cố gắng giữ không để cho phe của chính phủ lại gần.

Đây là một cuộc chiến không cân sức, tuy nhiên thanh niên nổi dậy này quyết tâm gây sức ép lên phe chính phủ.

Anh Barassi nói rằng anh sẽ tới thủ đô Tripoli, anh sẽ không ngừng nghỉ cho tới khi nào anh đạt được mục đích hoặc là sẽ chết để đạt được mục đích đó.

Sự dũng cảm của anh cũng là tinh thần chung của những người khác ở vị trí tiền tuyến đầy bụi bặm trên xa lộ nối Tripoli với Benghazi – một dải chiến trường nhỏ dọc đường biên phía bắc của châu Phi.

Giống như những người cùng chiến đấu ở lứa tuổi 20, Barassi đã bất mãn vì thất nghiệp trước khi quyết định cầm súng tham gia phong trào chống ông Gadhafi. Với chiếc khăn trùm đầu của người Ả Rập quấn quanh cổ chiếc áo ngụy trang đi mượn, anh cùng với các đồng chí của mình trông giống hệt như người làm cách mạng cổ xưa.

Trong khi những người xung quanh anh hô to ‘Thượng đế Vĩ đại’, anh xác định sứ mạng của họ là giải phóng Libya ra khỏi tay một kẻ bạo chúa.

Điều này cũng rất giống với cách mà Đại tá Gadhafi đã biện minh cho vụ đảo chính đưa ông lên nắm quyền cách đây hơn 40 năm.

Điều nghịch lý của cuộc nổi dậy được nhiều người biết đến chống lại một người đã từ lâu tự gọi mình là một kẻ nổi dậy cuối cùng - phá vỡ các công ước, ủng hộ các cuộc cách mạng gần xa – có lẽ là việc không thể xác định được nhóm nổi dậy này muốn gì.

Hầu hết họ đều còn quá trẻ để coi ông Gadhafi, năm nay đã 68 tuổi, là một “Nhà lãnh đạo Anh em” như cách ông tự gọi mình như vậy. Thay vì thế, họ coi ông là một nhà lãnh đạo cứng nhắc, tìm cách đưa những người con trai của ông lên làm lãnh đạo giống như thể nước này là một vương quốc.

Anh Barassi đang tìm cách đặt tên thích hợp cho kẻ thù của mình.

Anh quyết định đặt là khủng bố, “một tên khủng bố hạng nhất”. Sau đó anh Barassi ca ngợi Osama bin Laden là một người đàn ông “100%”.

Không rõ liệu Barassi có ý so sánh để xúc phạm hay anh thực sự ngưỡng mộ thủ lĩnh phe al-Qaida này.

Đó là di sản mà Đại tá Gadhafi đã để lại: Ấy là người dân Libya đã sống quá lâu trong sự sợ hãi không dám lên tiếng đến độ những gì họ muốn phần lớn vẫn còn là điều không ai biết tới.

Cho đến giờ này, chưa có thông điệp nhất quán nào được những chiến binh nổi dậy đưa ra. Một số nhận lệnh từ một hội đồng quân sự ở Benghazi. Những người khác chỉ đơn giản là ra tiền tuyến. Họ có chung một ước muốn lật đổ người cũng đã từng hứa đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người Libya. Nhưng nếu họ thành công thì những điều họ muốn sau đó vẫn còn là điều mà mọi người sẽ phải tự phỏng đoán.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG