Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 70 năm trận chiến khốc liệt Okinawa


Binh sĩ Paul Ison của Sư Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ băng qua làn đạn súng máy của lực lượng Nhật Bản trên đảo Okinawa, ngày 10 tháng 5, 1945.
Binh sĩ Paul Ison của Sư Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ băng qua làn đạn súng máy của lực lượng Nhật Bản trên đảo Okinawa, ngày 10 tháng 5, 1945.

Tuần này đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng lực lượng đồng minh do Mỹ lãnh đạo, chấm dứt thế chiến thứ hai. Tuy có nhiều trận chiến dữ dội và những diễn tiến bước ngoặt ỡ mặt trận Thái Bình Dương, Trận Okinawa được nhớ tới như trận chiến khốc liệt nhất và được nêu ra vào lúc đó để biện minh cho việc thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima va Nagasaki của Nhật. Từ Okinawa, thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật.

Chiến dịch hành quân chiếm Okinawa là trận đánh lớn nhất và là trận đánh cuối cùng của thế chiến thứ hai. Chiến dịch này có sự tham gia của hơn một ngàn chiến hạm và hàng trăm ngàn binh sĩ.

Trận đánh kéo dài 82 ngày đã phá huỷ vô số làng mạc, thiêu rụi rất nhiều cánh rừng và gây tử vong cho gần 200.000 người.

Ông Mark Waycaster, giám đốc một viện bảo tàng lịch sử tại một căn cứ Thuỷ quân Lục chiến Mỹ ở Okinawa, cho biết trong trận chiến đó Tướng Mitsuru Ushijima của Nhật đã áp dụng chiến thuật du kích của một cuộc chiến tranh tiêu hao.

"Mục tiêu của ông ấy không phải là chiến thắng. Ông ấy không hề có ý định giành được thắng lợi trong Trận Okinawa. Mục tiêu mà ông ấy nhắm tới là gây nhiều tổn thất cho các lực lượng của Mỹ tới độ Washington phải tìm cách làm hoà."

Trận chiến khốc liệt Okinawa đã giết chết gần một phần ba thường dân trên đảo.
Trận chiến khốc liệt Okinawa đã giết chết gần một phần ba thường dân trên đảo.

Số thương vong cao và sự kháng cự kịch liệt mà lực lượng đồng minh gặp phải ở Okinawa đã được dùng để biện minh cho quyết định thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để làm tiêu tan ý chí và tinh thần chiến đấu của người Nhật.

Ở Okinawa ngày nay, nhiều người vẫn còn nhớ tới trận chiến khốc liệt đã giết chết gần một phần ba thường dân trên đảo. Những công sự phòng thủ của Nhật đã được bảo tồn như chứng tích lịch sử.

Viện Bảo tàng Hoà bình Himeyuri là nơi thuật lại câu chuyện của gần 200 nữ sinh được tuyển làm y tá cho quân đội Nhật. Nhiều người trong số đó đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Bà Shimabukori Yoshiko bị thương nặng trong một vụ nổ.

Bà cho biết trước đó những người lính Nhật cảnh cáo rằng bà và những nữ y tá khác sẽ bị lính Mỹ hãm hiếp và giết chết nếu bị họ bắt được. Cho nên khi bị thương bà cứ mong được chết sớm để khỏi bị nhục.
Nhưng một người lính Mỹ đã cứu bà.

"Khi đó tôi nghĩ trong đầu 'Chẳng lẽ người này là kẻ thù của mình?' Tôi nghe nói bọn họ là quỷ dữ nhưng khi tôi nhìn vào mặt ông ấy, tôi thấy ông ấy rất dễ thương. Ông ấy nói với tôi 'Tôi sẽ giúp cô'."

Ký ức về sự tàn phá và chết chóc trong thời chiến đã khiến cho nhiều người ở Okinawa trở thành những người có lập trường chủ hoà rất mạnh mẽ. Họ thường xuyên phê phán sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Okinawa cũng như những nỗ lực của phe bảo thủ ở Nhật nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG