Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam - một năm nhìn lại (Tiếp theo và hết)


Kinh tế Việt Nam - một năm nhìn lại (Tiếp theo và hết)
Kinh tế Việt Nam - một năm nhìn lại (Tiếp theo và hết)

Động thái chính sách của Chính phủ Việt Nam

Quyết tâm chính trị năm qua của Chính phủ Việt Nam được tập trung vào việc giải quyết các bài toán cấp bách nhất về kinh tế. Nghị quyết 11 xuất hiện từ tháng 4 năm 2011 với mục tiêu là tấn công trực diện vào cơn bão lạm phát với hai gọng kìm thắt chặt chính sách tài khóa qua cắt giảm đầu tư công và thắt chặt tiền tệ qua hạn chế tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho khu vực phi sản xuất. Mặc dù chịu rất nhiều áp lực trong thực hiện, đặc biệt là từ các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt này, nhưng cho tới nay chính phủ vẫn giữ vững được cam kết của mình.

Sau khi lên tới mức cao nhất vào tháng 4, 2011, tăng trưởng CPI đã giảm nhanh và trở lại mức có thể kiểm soát được từ nửa sau của năm. Đặc biệt từ tháng 8, 2011, tăng trưởng CPI tính theo tháng đã giảm xuống còn dưới 1%. Đây là cơ sở để dự đoán nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đang đi như trong năm 2011 thì lạm phát có thể quay về ở mức một con số trong năm 2012.

Một thành công hết sức quan trọng khác của chính phủ là bắt tay vào vực dậy hệ thống ngân hàng. Quá trình này được khởi động, không rõ là ngẫu nhiên hay có chủ ý, từ chính sách áp trần lãi suất 14% của Ngân hàng Chính phủ Việt Nam. Mặc dù các ngân hàng thương mại vẫn có các kỹ thuật để “lách” quy định này, tuy nhiên, việc lách là khó khăn hơn nhiều, và hầu như không áp dụng được đối với những người gửi tiền nhỏ lẻ. Động thái chính sách này đã dẫn tới chuyện lãi suất cho vay của các ngân hàng đã được kéo thấp xuống đáng kể, mặc dù chưa hoàn toàn giống như kỳ vọng ban đầu của Ngân hàng Trung ương là 17%.

Chính sách áp trần lãi suất huy động này đã đẩy các ngân hàng yếu vào chỗ không còn cửa để che dấu cái yếu của mình bằng trò chơi chạy đua lãi suất. Hàng lọat các ngân hàng yếu ngay lập tức bộc lộ rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất thanh khoản của họ và phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Chính từ thực tế được phơi bày rõ ràng này, cuộc cải cách hệ thống ngân hàng mới bắt đầu với mũi tên bắn đầu tiên là việc sáp nhập 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, và Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Không chỉ có cải cách ngân hàng, Chính phủ Việt Nam còn đưa ra thêm hai trọng điểm khác trong “chiếc đinh ba cải cách”. Đó là cải cách doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam và cải cách về đầu tư công. Việc cải cách đầu tư công một phần là tiếp nối tinh thần của Nghị quyết 11, nhưng phần quan trọng hơn là tạo ra các cơ chế thích hợp có thể thực hiện được để nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công của Chính phủ Việt Nam. Việc cải cách doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam cũng đã được bắt đầu với việc công khai hóa các vấn đề về quản trị và tài chính trong các tập đoàn và tổng công ty Chính phủ Việt Nam lớn như Petrolimex và EVN.

Kinh tế Việt Nam giữa ngã ba đường

Những thách thức hiện nay đang đặt nền kinh tế Việt Nam ở ngã ba đường. Hành trình tăng trưởng của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua dựa trên các yếu tố không bền vững và không tiếp nối trong giai đoạn tới. Nếu không có những hành động cụ thể hoặc những giải pháp không triệt để và thiếu quyết đoán có thể đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy đi xuống nguy hiểm. Kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục chìm đắm trong khủng hoảng với lạm phát cao, tăng trưởng thấp, thậm chí cả những đổ vỡ hệ thống từ khối ngân hàng và doanh nghiệp. Điều này đến lượt nó có thể dẫn tới việc xói mòn lòng tin của công chúng và gây ra những bất ổn xã hội và khiến Việt Nam biến mất khỏi danh sách của các điểm hẹn của dòng chảy đầu tư và thương mại quốc tế.

Năm 2012 sẽ là năm tiếp tục thử thách sức chịu đựng của công chúng và doanh nghiệp. Nó cũng là năm thử thách quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết và chương trình cải cách đã đặt ra. Nếu các nỗ lực cải cách này bị bỏ dở giữa chừng, câu chuyện 2011 sẽ trở lại câu chuyện 2008, tức là tình hình có vẻ tốt lên trong một thời gian rất ngắn (2009) sau đó lại quay lại quỹ đạo khủng hoảng kéo dài (2010-2011) và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong trạng thái “cân bằng thấp” như thời gian vừa qua.

Một đại phẫu triệt trên mọi mặt của nền kinh tế để giải quyết dứt điểm các khuyết tật và yếu kém trong hệ thống sẽ là cần thiết để đẩy hành trình cải cách kinh tế của Việt Nam lên một nấc thang mới. Tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ chậm hơn, sẽ phải có những quyết định khó khăn đòi hỏi sự hi sinh, sẽ có những nhóm lợi ích phải trả giá, những doanh nghiệp không còn tồn tại, nhưng tất cả những việc này là cần thiết. Tuy khó, nhưng đặt trong tiến trình lịch sử của 25 năm trở lại đây, thì những vấn đề đặt ra của giai đoạn này và các giải pháp tương ứng không phải là thách thức quá lớn và quá khắc nghiệt như giai đoạn 1986 khi con tàu Việt Nam lần đầu tiên tiến vào vùng nước không hề có trên hải đồ (uncharted water).

Bài học lịch sử ngày Đổi Mới

Cũng nên nhắc lại chuyện 25 năm trước, ngày 18 tháng 12 năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt vô cùng lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Nền kinh tế bao cấp, một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống kinh tế cũ từng tồn tại ở Việt Nam trong suốt 40 năm, chính thức bị xóa bỏ. Cơ chế quản lý kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa từ trung ương quen thuộc tồn tại từ ngày thành lập nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa bị đẩy vào quên lãng. Trọng tâm phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp nặng theo mô hình Xô Viết cũng bị ném vào thùng rác.

Không hề có kinh nghiệm, không được chuẩn bị, không có những kế hoạch bài bản, và không chắc trên con đường mới sẽ có những thách thức như thế nào, nhưng Việt Nam mạnh dạn đi theo một con đường mới. Nền kinh tế nhiều thành phần được chấp nhận để thế chỗ cho nền kinh tế bao cấp, cơ chế hạch toán kinh doanh tiến được áp dụng thay cho cơ chế kế hoạch hóa, và trọng tâm phát triển kinh tế được chuyển từ công nghiệp nặng sang sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, và hàng xuất khẩu.

Quyết tâm này đã đem lại những thành công bất ngờ. Vượt qua tất cả những khó khăn và thách thức trên con đường đã chọn, Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, GDP bình quân đầu người chỉ có 86 USD, và phần lớn dân chúng sống dưới mức nghèo khổ tuyệt đối, thành một nước có thu nhập thuộc nhóm trung bình của thế giới với GDP bình quân đầu người năm 2011 lên tới 1300 USD. Con số GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đã gần xấp xỉ mức GDP bình quân đầu người của Ấn Độ - vốn là nước viện trợ cứu đói cho Việt Nam hồi thập kỷ 1980s.

Nhìn về phía trước, có lý do để tin rằng một kịch bản tốt đẹp hơn sẽ trở thành hiện thực cho nền kinh tế Việt Nam. Các cam kết và kế hoạch cải cách của nhà nước, đặc biệt là lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước, và lĩnh vực đầu tư công ban hành trong những tháng cuối năm 2011 là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho quá trình này. Kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường cải cách sẽ là chìa khóa để dẫn tới những thành công mới. Đây cũng là mong muốn và kỳ vọng của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam cho dịp đầu năm mới này.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG