Đường dẫn truy cập

Kampala


Kampala về đêm
Kampala về đêm

Nếu lục địa Phi Châu trong tiếng Anh thường ngày được cho là ‘the dark continent’ (lục địa tối đen) thì rõ là tôi đã đến đúng nơi, đúng lúc. Vì hôm máy bay đáp xuống phi trường quốc tế của thủ đô Kampala vào khoảng 10 giờ đêm, nhìn ra cửa sổ bên ngoài tôi chỉ thấy một màu độc nhất. Đó là màu đen!

Chỉ thấp thoáng đây đó ở bên dưới là một vài ánh đèn heo hắt. Từ những con phố nhỏ hẹp chạy dài từ sân bay hắt ra bên ngoài. Và khu vực bên trong sân bay tôi thấy cũng chỉ lác đác có từng ấy ngọn đèn.

Tôi thầm nghĩ chả lẽ Kampala nó nhỏ và nghèo đến thế cơ à? Đáp xuống sân bay quốc tế Entebbe mà cứ tưởng mình vừa mới tới phi trường Cam Ranh gần Nha Trang. Vì nó nhỏ đến thế bạn ạ.

Cũng có thể là tôi có hơi nói quá. Vì thật ra phi trường quốc tế Entebbe cũng không nhỏ đến độ đó. Nhưng nhìn chung thì nó cũng không lớn hơn là bao. Hôm lúc tôi đến lại chỉ có độc nhất máy bay của chúng tôi đáp nên phi trường càng trông vắng lặng, trống trải hơn. Phần đông các hành khách lại là người da trắng ngoại quốc nên phi trường hoàn toàn không có vẻ gì nhộn nhịp, ồn ào như các phi trường quốc tế ở Châu Á như Bangkok, Hồng Kông, hay Singapore. Không thể so sánh được với các phi trường ấy. Thậm chí phi trường quốc tế ở Phnom Penh bên tận Miên tôi thấy trông cũng còn có vẻ khá hơn.

Từng người một lặng lẽ xếp hàng để xin visa ngay tại bàn hải quan với giá 50 đô cho 3 tháng. Và chỉ 30 phút sau là tôi đã có mặt ở cổng ra vào với túi hành lý nằm gọn trên xe đẩy đứng đợi người tài xế văn phòng lấy xe đến đón.

Vắng thật.

Cả phi trường mà chỉ có từng ấy người, không quá 50 cái đầu tôi nhẩm tính, đến đón bạn bè hoặc người thân vừa đến từ Amsterdam, một phi trường lớn quốc tế có hạng ở Âu Châu nơi tôi phải đổi máy bay để đi tiếp đến Uganda. Đã thế ở bên ngoài lại chẳng có hàng quán, shop to shop nhỏ nào như ở nhiều nước khác mà tôi đã có dịp ghé qua. Ngoại trừ bãi đậu xe đen xì to đùng không một bóng đèn đang nằm ngay trước mặt.

Khác thật.

Nhưng điều khác biệt mà tôi cũng vừa chợt nhận ra và cảm thấy thích thú vô cùng là khác với các vùng đất nóng ẩm ở Á Châu, khác với những gì tôi nghĩ là tôi đã biết về Phi Châu, khí hậu ở thủ đô Kampala sao mà dễ chịu và mát mẻ đến thế. Đêm hôm tôi đến nhiệt độ chắc đâu chỉ khoảng chừng 15, 16 độ C. Và ban ngày ngay vào giữa trưa trời thấy có vẻ cũng khá nóng nực đấy nhưng nhiệt độ chỉ lên khoảng chừng 24, 25 độ C.

Bởi thế mấy hôm nay đêm nào tôi cũng ngủ khá ngon giấc. Ngoại trừ sáng nay lúc 6 giờ sáng gà chưa kịp gáy nhưng tôi đã nghe văng vẳng từ xa tiếng ca hát rộn ràng của dân làng ở gần cạnh.

À! đúng là mình đã đến Africa thật rồi.

Trên đường về trung tâm thành phố cách phi trường độ khoảng 1 giờ lái xe, nhờ người tài xế nói tôi mới biết là thì ra tại phi trường nằm ở ngoại ô bên ngoài thành phố nên tôi chỉ thấy ngút ngàn màu đen. Chứ thật ra khu vực trung tâm nó không đìu hiu xóm đạo đến thế.

Thì ra là vậy. Thế mà tôi cứ tưởng. Đúng là biết thì thưa thốt. Không biết thì nên dựa cột lâu lâu mà nghe. Chắc là phải còn nhiều điều lắm mà tôi cần phải học hỏi, lắng nghe và đọc cho kỹ sách báo trước khi phán đoán.

Vì rõ là tôi chẳng biết tí ti gì về vùng đất này. Không như tôi đoán, hai bên đường tôi thấy cây cỏ mọc um tùm, không như những hình ảnh khô héo, cằn cõi của sa mạc mà tôi đã thấy nhiều lần trên tivi. Ngay cả những hình ảnh nghèo nàn, xơ xác của người dân tôi cũng không thấy nốt. Vì dọc hai bên đường tôi chỉ thấy từng nhóm người đang tụ ba tụ bảy trò chuyện hoặc ăn uống, sinh hoạt như những nước đang phát triển khác.

Có thể là họ chưa sung túc bằng Mã Lai, Indonesia, Thailand. Nhưng chắc một điều là người dân Uganda cũng không nghèo khó như tôi từng nghĩ.

Nhất là khi tôi nghe anh tài xế kể cho tôi nghe về đời sống hằng ngày của người dân địa phương lẫn của cả expat (danh từ lóng dùng để chỉ những người ngoại quốc như tôi sang một nước khác làm việc).

Nếu tôi muốn đi safari xem thú hoang, beo, sư tử, voi, ngựa rằn… sống theo từng bầy trong những khu rừng quốc gia nổi tiếng, xin thưa có ngay. Và tôi chỉ sẽ tốn độ chừng 100 đô trọn gói.

Còn nếu như tôi muốn leo rừng xuyên núi để đến tận nơi xem gorillas sống ra sao, tôi sẽ phải cần chi nhiều hơn. Khoảng 500 đô chưa kể tiền khách sạn.

Hoặc nếu muốn, tôi có thể tham gia chèo thuyền (white water rafting) trên những ghềnh đá phủ nước chảy xiết của khu vực thượng nguồn sông Nile cách thủ đô Kampala không xa quá là bao. Với giá cũng chỉ độ chừng 150 đô trở lại.

Dĩ nhiên tôi chỉ có thể làm những điều này vào cuối tuần khi văn phòng đóng cửa. Nhưng nếu bạn là tôi thì bạn sẽ thích chọn đi nơi nào?

Hay là thế này nhé. Tôi sẽ chờ các bạn cho biết ý kiến và sau đó tôi sẽ thực hiện ngay trong một ngày nghỉ gần nhất. Và sau đó là viết lại cho các bạn đọc vui lây. Các bạn thấy được không?

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG