Đường dẫn truy cập

Iran nối lại đàm phán hạt nhân với phái đoàn LHQ


Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.
Các nhà thương thuyết của Iran dưới sự lãnh đạo của ngoại trưởng nước này đã gặp nhóm tiếp xúc của Liên Hiệp Quốc hôm nay tại Geneva để mở các cuộc đàm phán có thể mang tính quyết định trong việc xoa dịu căng thẳng về chương trình hạt nhân của Iran. Từ Geneva, thông tín viên VOA Al Pessin gửi về bài tường thuật sau đây.

Các máy thu hình bấm lia lịa vào lúc các phái đoàn đến trụ sở ở Châu Âu của Liên Hiệp Quốc.

Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, chào mừng các nhiếp ảnh viên khi tiến vào phòng hội nghị.

Loạt đàm phán này khởi đầu với điều được mô tả là một “cuộc họp tốt đẹp” vào lúc vừa làm vừa dùng bữa điểm tâm giữa Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và trưởng ban đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, người chủ tọa phái đoàng Liên Hiệp Quốc.

Sau đó, các phái đoàn đầy đủ của Iran, của 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ðức và Liên Hiệp Âu Châu đã họp một phiên kéo dài 45 phút, tiếp theo là các cuộc họp nhóm nhỏ hơn trong suốt ngày.

Phát ngôn viên của Liên hiệp Âu Châu cho hay các cuộc đàm phán đang bước vào một “giai đoạn nghiêm trọng.”

Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ nói hai bên đang bắt đầu hiểu rằng một “bước đầu” phải ra sao, sau chỉ một vòng đàm phán chính thức và một cuộc họp cấp chuyên gia kể từ khi chính phủ mới của Iran lên nắm quyền hồi tháng 7.

Các giới chức không cung cấp chi tiết về một đề nghị của Iran được trình bầy ở Geneva hồi tháng trước, nhưng một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện không nêu danh tính, nói rằng khái niệm cơ bản là ngưng chương trình hạt nhân của Iran, có lẽ trong 6 tháng, để có thời giờ cho các cuộc thương nghị về một thỏa thuận dài hạn.

Ðổi lại, giới chức này nói cộng đồng quốc tế sẽ nới lỏng một số biện pháp chế tài nhưng không thay đổi điều bà gọi là chế độ chế tài cốt lõi.

Cộng đồng quốc tế đang tìm cách thay đổi chương trình hạt nhân của Iran, và đòi có thêm sự minh bạch để bảo đảm rằng chương trình này không dẫn tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Iran nói họ không có ý định phát triển các loại vũ khí đó, nhưng một số phần trong chương trình vượt ra ngoài điều mà các chuyên gia cho là cần thiết cho năng lượng hạt nhân và khảo cứu, và có thể chỉ còn vài tháng nữa là Iran có đủ uranium được tinh chế ở mức có thể chế tạo một quả bom hạt nhân.

Tuần trước, Ngoại trưởng Zarif nói chính phủ mới của Iran đang cố gắng xoa dịu những mối quan ngại đó.

Ông Zarif nói: “Chúng tôi tin rằng ngay cả một khái niệm cho rằng Iran đang mưu tìm vũ khí hạt nhân cũng gây tác hại cho nền an ninh của chúng tôi, vì thế chúng tôi sẽ làm hết sức để bãi bỏ khái niệm đó.”

Sau vòng đàm phán đầu tiên, đại biểu Sherman trong phái đoàn Hoa Kỳ nói với Hệ thống tin tức tiếng Ba Tư của đài VOA rằng các vấn đề rất khó khăn và đã được nuôi dưỡng qua nhiều thập niên thiếu tin tưởng, nhưng bà nói hai bên nay đang làm việc hướng tới mục tiêu chung.

“Những gì tôi thấy ở Geneva là một đường lối rất khác. Ðó là một đường lối thực tiễn mà mỗi nước trong khối P5+1 và Iran đều ra sức tranh đấu cho quyền lợi của nước mình. Ðó là điều chúng ta buộc phải làm. Nhưng đồng thời, chúng ta cố gắng giải quyết một vấn đề mà chúng ta thực sự muốn giải quyết.”

Song chính phủ Obama đang gắng sức ngăn chặn trước khi quá trễ quyết định của một số đại biểu Quốc Hội muốn tăng thêm các biện pháp chế tài đối với Iran ngay vào lúc các cuộc đàm phán này đang tỏ ra có hứa hẹn, một quyết định mà các giới chức cho là có thể làm tiêu ta mọi cơ may cho một giải pháp ngoại giao.

Cùng lúc đó, tổng thống tương đối ôn hòa của Iran, ông Hassan Rouhani, cũng phải đối đầu với các thành phần cứng rắn, có phần chắc sẽ chống lại mọi nhượng bộ về chương trình hạt nhân.

Chuyên gia về Iran từng làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao, bà Suzanne Maloney nay đang làm việc cho Viện Brookings, tỏ ra nghi ngờ sẽ có điều gì trùng lập giữa những gì hai bên sẽ chấp nhận, nhất là dựa vào một bài phát biểu mới đây của Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

“Trong khi tìm cách bênh vực các lập trường của các nhà thương thuyết một cách công khai, theo ý tôi ông ta đã tỏ ra rất nghi ngờ rằng họ có thể đi tới một loại thỏa thuận mà ông ấy sẽ chấp nhận. Dường như thực sự có một khoảng cách giữa những gì phía Iran tuyên bố cơng khái là họ muốn và cần, về mặt nới lỏng chế tài, và những gì mà chính phủ dường như muốn t6in là họ có thể đạt được qua lời đề nghị.”

San bằng được khoảng cách biệt đó là thách thức đáng kể mà các nhà thương nghị phải đối mặt trong tuần này. Họ có thể không hoàn thành công tác trong hai ngày đàm phán này, nhưng họ thừa nhận rằng họ cần phải đi tới một thỏa thuận có hiệu quả trong nay mai, với mức độ kiên nhẫn rất có giới hạn về cả hai phía.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG