Đường dẫn truy cập

Giáo chủ Khameini: Không đàm phán gì với Mỹ ngoài vấn đề hạt nhân


Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khameini đọc diễn văn tại Tehran, ngày 17/8/2015.
Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khameini đọc diễn văn tại Tehran, ngày 17/8/2015.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khameini nói bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Mỹ chỉ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới mà thôi, và không liên quan đến bất cứ lãnh vực nào khác.

Trong tuyên bố đăng trên trang web hôm thứ Tư, ông Khameini nói: "Chúng tôi thông qua cuộc đàm phán với Mỹ chỉ riêng về các vấn đề hạt nhân. Ở các lãnh vực khác, chúng tôi không và sẽ không cho phép đàm phán với Mỹ."

Đàm phán về các lãnh vực khác chỉ tạo cơ hội cho Mỹ "mở rộng ảnh hưởng lên Iran và áp đặt ý định của họ," lãnh tụ Ayatollah được trích lời.

Hiệp ước hạt nhân ký hồi tháng 7 giữa Hoa Kỳ , Iran cùng với 5 cường quốc thế giới khác được xem như có thể là một chất xúc tác cho khả năng cải thiện các mối quan hệ thù địch lâu nay giữa Tehran với Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên chính các cuộc đàm phán hạt nhân đã trở thành gần như là một địa điểm gặp gỡ công khai giữa các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ và Iran. Chưa bên nào có những bước tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt từ năm 1980.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người được xem có chủ trương ôn hòa hơn so với giáo chủ Khameini, hôm thứ Ba nói rằng Tehran sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ về cách thức giải quyết cuộc nội chiến ở Syria.

Tuyên bố của Giáo chủ Khameini hôm thứ Tư được xem như có thể là một phản ứng đối với phát biểu của ông Rouhani.

Chính phủ Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị Mỹ phản đối. Mỹ và Iran còn không đồng ý với nhau về hàng loạt các vấn đề khu vực, trong đó có việc Israel và cuộc nội chiến ở Yemen.

Tuyên nhiên hiệp ước hạt nhân đã tháo dỡ những rào cản chính đối với khả năng cải thiện quan hệ, vì thỏa ước này sẽ dẫn đến việc tháo dỡ các lệnh chế tài quốc tế gây điêu đứng cho nền kinh tế của Iran.

Những người chủ trương cứng rắn tại cả hai nước đều chống đối thỏa thuận hạt nhân và tìm cách ngăn chặn hiệp ước đó.

Hôm thứ Ba, các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện Mỹ đã huy động được 42 phiếu - đủ để ngăn chặn một nghị quyết bác bỏ hiệp ước hạt nhân Iran. Điều này có nghĩa là Tổng thống Barack Obama sẽ không phải dùng tới quyền phủ quyết, và đây là một thắng lợi chính trị đáng kể cho ông.

Phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện. Hạ viện dự kiến sẽ thông qua nghị quyết chống lại hiệp ước hạt nhân Iran - nhưng không có sự hậu thuẫn của Thượng viện thì nghị quyết đó chỉ mang tính thể hiện quan điểm.

Mỹ và các đồng minh từ lâu đã nghi ngờ Iran sử dụng chương trình này để chế tạo vũ khí hạt nhân - một cáo buộc mà Tehran phủ nhận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG