Đường dẫn truy cập

Ấn Độ đang xây nhà máy điện sử dụng triều cường


Ấn Độ đang xây nhà máy điện sử dụng triều cường
Ấn Độ đang xây nhà máy điện sử dụng triều cường

Bang Gujarat miền Tây Ấn Độ đang xây nhà máy điện dùng triều cường của đại dương để phát điện và đây là nhà máy điện đầu tiên của nước này dùng sức mạnh lên xuống của nước biển.

Nhà máy được xây dựng dựa trên hợp đồng đã ký giữa công ty Atlantis của Anh và chính quyền bang Gujarat, sau khi công ty Anh đã khảo sát vịnh Kutch ở miền Tây Ấn Độ và đánh giá nơi này thích hợp cho một nhà máy như vậy.

Về mặt kỹ thuật, nhà máy sẽ dùng những tua-bin để thu hút năng lượng từ giòng nước lên xuống của đại dương.

Dự án sẽ tạo được 50 megawatt điện và sau này có thể tăng lên 250 megawatt.

Ấn Độ là nước thứ nhì của châu Á, ngoài Nam Triều Tiên, có nhà máy loại này.

Rajkumar Rajsinghani, giới chức trông coi dự án nói rằng nhà máy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Gujarat:

“Có hai cái lợi. Ấn Độ sẽ được công ty Anh chuyển giao công nghệ; và thứ nhì là nhờ nhà máy có thể phát điện suốt ngày, Ấn Độ sẽ có điện năng tái tạo vừa tốt, vừa có giá cả cạnh tranh.”

Chính quyền bang Gujarat hy vọng sự thành công của dự án này sẽ dẫn đến thêm nhiều nhà máy điện như vậy, vì bang này có đến 1.600 kilomet bờ biển, thích hợp cho việc phát điện bằng triều cường.

Gujarat là một trong những bang tiến bộ về kinh tế và công nghiệp nhất của Ấn Độ nhưng giống như các bang khác, hầu hết điện năng đều xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch.

Trong những năm kế tiếp, bang này sẽ xây những nhà máy chạy bằng triều cường, sức gió và năng lượng mặt trời để sản xuất hơn 7.000 megawatt điện, giúp tăng tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Ấn Độ chú ý đến các nguồn năng lượng sạch để giảm các loại khí gây hiệu ứng nhà kiếng và đối phó với hiện tượng khí hậu biến đổi, vì Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về mặt thải ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kiếng.

Trên khắp thế giới, sử dụng triều cường để phát ra điện năng vẫn còn ít, so với sử dụng năng lượng mặt trời hoặc sức gió, nhưng các chuyên viên nói rằng chuyện này sẽ thay đổi khi các nước tập trung vào các nguồn năng lượng sạch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG