Đường dẫn truy cập

In A Strange Room (Trong Một Căn Phòng Xa Lạ) - Damon Galgut


In A Strange Room (Trong Một Căn Phòng Xa Lạ) - Damon Galgut
In A Strange Room (Trong Một Căn Phòng Xa Lạ) - Damon Galgut

Qua ba câu chuyện du hành khác nhau Damon Galgut kết nối tài tình trong In a Strange Room để trầm tư về ý nghĩa cũng như những hậu quả của sự di chuyển của một người từ một điểm này sang một điểm khác trên mặt đất chỉ làm cho bản ngã thêm lạ lẫm và chia lìa với chính mình.

Du lịch, du hành, di chuyển từ một nơi cư trú thường trực lắm khi đã thành nhàm chán, đến một nơi xa lạ hứa hẹn có nhiều thứ hấp dẫn ngũ quan và kiến thức, hầu như đó là một đam mê của hầu hết chúng ta. Thông thường đa số chuẩn bị một chuyến du lịch với điểm tới là một thành phố nổi tiếng trên bản đồ, những thắng cảnh lừng danh sẽ viếng thăm. Trước mình đã có nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đã đến những nơi đó, nay ta cũng làm cùng một lộ trình. Và sau mình tất nhiên sẽ có những người khác. Những thành phố những thắng cảnh những điểm du lịch đó hôm qua còn là xa lạ nhưng hôm nay đã nhiều người biết.

Đối với người đi du lịch bình thường, coi du lịch như một cơ hội để tạm thời trong một thời gian ngắn, tách mình khỏi những sinh hoạt hàng ngày lập đi lập lại tưởng như không bao giờ chấm dứt, những cảnh vật đã quá quen mắt, cảm nghĩ về du lịch thường không được đào xâu, cái còn lại sau một chuyến đi là những hình ảnh, mùi vị cuối cùng chỉ còn là những dư ảnh dư vị rất dễ phai nhòa. Nhưng đối với những kẻ “số phần đã là suốt đời di chuyển” hay “tự trao cho mình cái số phần của kẻ lang thang” du lịch không còn cái nghĩa đi chơi xa rồi lại trở về nữa, mà du lịch theo nghĩa du hành trở thành một lộ trình đến những cảnh quan, những nơi chốn xa lạ ít người đã đặt chân tới, gặp gỡ những kẻ lạ mặt trên đường, vì vậy mức độ an toàn không có gì là đảm bảo.

Chính vì tính chất bất ngờ về cảnh, về người, về biến cố xảy ra trên lộ trình nên những chuyến đi kiểu này mới thực sự là du hành, trong khi du lịch chỉ là một cuộc du hành nhỏ, không trọn vẹn. Sau một chuyến du lịch, bản ngã tình cảm nhận thức của ta có thể có những thay đổi nhưng những thay đổi này không sâu đậm. Ngược lại, sau một chuyến du hành, bản ngã cũng như số phần của kẻ vừa hoàn tất một chuyến đi có những thay đổi lớn. Trước hết là một sự lạc hướng tạo nên bởi sự so sánh giữa cái quen thuộc với cái xa lạ quá đỗi. Sau đó là bản ngã bị chia đôi, trở thành nhị phân, lưỡng tính: ta không còn là người của một chốn nào.

Và đó là một đề tài rất phong phú của tiểu thuyết xưa nay, khởi đầu với quyển Don Quixote của Cervantes. Mới đây Damon Galgut, nhà văn da trắng sinh trưởng ở Phi Châu vừa cho chúng ta đọc một quyển tiểu thuyết In a Strange Room/Trong Một Căn Phòng Xa Lạ tuy chỉ khoảng 180 trang nhưng thật đặc sắc về đề tài này.

Trong Một Căn Phòng Xa Lạ là truyện kể về ba cuộc du hành của nhân vật truyện không ai khác là chính Damon tác giả. Ba truyện có bề dày ngang nhau, 60 trang sách, với truyện thứ nhất mang tựa đề “The Follower/Kẻ Theo Chân”, truyện thứ nhì “The Lover/Người Tình”, và chuyện sau chót có tựa đề “The Guardian/Người Bảo Vệ”. Điểm đặc biệt của kỹ thuật tự sự là trong quyển sách tuy là tiểu thuyết nhưng mang dáng dấp hồi ký này, Damon Galgut đã cho lời kể phần lớn ở ngôi thứ ba “hắn” nhưng đôi khi đột ngột trong cùng một đoạn hay một câu chuyển sang lời kể ở ngôi thứ nhất “tôi”. Nếu là người viết non tay, việc chuyển ngôi tự sự này sẽ làm người đọc hụt hẫng, nhưng dưới ngọn bút điêu luyện của tác giả, người đọc hiểu rằng mình được nhắc nhở rằng đang theo dõi nhân vật ở trong một thế giới vừa thực vừa hư, vùa ở trong thế giới hiện thực trước mặt, vừa ở trong thế giới của ký ức quá khứ. Và ở một tầng cấp sâu hơn của diễn ngôn văn chương, kẻ du hành là kẻ có một bản ngã nhị trùng, lưỡng phân. Ngoài ra tác giả cũng muốn người đọc theo dõi câu truyện kể ở những chỗ đứng khác nhau, vừa khách quan vừa chủ quan.

Damon, giống như tác giả, là một người sinh trưởng ở Nam Phi nhưng trong câu chuyện thứ nhất đang cùng đoàn thám hiểm có mặt ở Mycenae, Hy Lạp. Dự tính của Damon là đi thám hiểm một số phế tích đã xụp đổ. Trên đường đi Ramon chạm mặt với một kẻ du hành đi ngược chiều mặc quần áo hoàn toàn màu đen – kể cả cái túi đeo vai – bươn bả tiến về phía mình. Dừng lại ngó nhau, hai người trao đổi vài lời ngắn ngủi rồi ai đi đường nấy. Nhưng không hiểu vì sao, khi đêm về trong khi Damon đã ở trong lữ điếm của mình, người khách lạ xuất hiện và đòi qua đêm chung phòng với Damon. Người khách lạ này tên là Reiner, dân Đức, là một tay du hành nghiệp dư. Sau khi trao đổi thong tin về nhân thân của nhau Reiner đề nghị với Damon một chương trình du hành khá mạo hiểm: dùng xe đò tìm đến vùng Lesotho, một xứ nhỏ xíu nằm sâu ở Nam Phi, được biết là người dân ở đó không có thiện cảm với người xa lạ, nhất là người da trắng. Cặp bạn đường tình cờ này là hai tính cách đối nghịch: trong khi Damon rất thụ động, hòa hoãn, không thích tranh biện thì Reiner lại rất thích là kẻ chủ động mọi việc nên chuyến đi là cả một chuỗi dài những bất đồng. Damon viết về Reiner như sau: “có cái cảm giác là dường như đôi khi cái xứ sở này đối với Reiner chỉ là một khái niệm, một thứ ý tưởng trừu tượng có thể khuất phục tùy ý…rằng đối với hắn ta chẳng có cái gì là quan trọng cả ngoài bản thân hắn và cái nơi chốn trống không hắn đang phóng chiếu bản thân vào đó.” Không thể thuận hòa tiếp tục du hành, hai người chia tay là việc không thể không xảy ra.

Sang đến phần hai “Người Tình” Damon hiện đang đơn thương độc mã du hành ở Zimbabwe. Kể từ chuyến đi thảm họa với Reiner cũng đã mấy năm qua nhưng Damon vẫn không thay đổi, động lực vô thức thúc đẩy anh di chuyển từ nơi này sang nơi khác có thể coi như một cách trốn chạy khỏi thế giới thực tại và bản thân của mình. Lần này Damon lại gặp gỡ và nhập bọn với một toán du hành người Âu gồm một người đàn ông Pháp và cặp anh em song sinh người Thụy sĩ Jérome và Alice. Người đàn ông Pháp này làm công việc thông dịch cho Damon và cặp song sinh. Damon đi chung thuyền và cùng ngụ tại một lữ quán với ba người này.

Sau khi trò chuyện ba người rủ Damon đi thăm nước Tanzania. Tuy phải thay đổi chương trình dự tính, lúc đầu còn ngần ngại nhưng rối Damon cũng đồng ý, lý do thầm kín chỉ vì Damon cảm thấy Jérome có một “vẻ đẹp đáng sửng sốt.” Lời tự sự của Damon trong phần này rõ rệt là giọng điệu của một người đồng tính làm người đọc chợt nhận ra giọng điệu này đã thấp thoáng trong lời kể về cuộc hành trình của Damon và Reiner. Nhưng tự mình Damon lại không chịu thẳng thắn nhận mình mê say Jérome, không tỏ lộ nỗi đam mê ra bên ngoài hay có hành động gì khác. Chẳng qua chỉ vì Damon là một kẻ thụ động điển hình.

Vì vậy trong suốt lộ trình dài dặc băng qua Phi châu, chuyện tức cười là Damon lại cố tình nhiều lần tách mình xa cách ra khỏi nhóm, nhưng cuối cùng vẫn ở lại. Hơn thế nữa, sau khi chấm dứt cuộc du hành Damon còn theo Jérome về nhà anh ta ở Thụy sĩ. Nhưng dĩ nhiên giữa hai người đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu như trong “Kẻ Theo Chân” du hành đối với Damon là đi tìm một kẻ đồng hành, một bạn đường nhưng bất thành thì trong “Người Tình” du hành lại là cuộc tìm kiếm một sự thuộc về, một chỗ nương tựa, niềm hy vọng đặt vào cuộc du hành giúp Damon giao tiếp được với thế giới trong tương lai nhưng kết quả cũng không khá hơn lần trước.

Mục đích của việc Damon du hành sang đến truyện cuối “Người Bảo Trợ” lại còn thê thảm hơn: lần này chính Damon thay vì là kẻ đi tìm một một chỗ vịn để đứng vững trong đời, lại trở thành một kẻ người khác nương tựa vào. Lần này Damon phải đi Ấn Độ cùng với người bạn gái tên Anna, vì hiện cô ta đang mắc chứng trầm cảm quá nặng và bạn bè khuyên cô làm một chuyến đi xa một thời gian may ra sẽ bớt bệnh. Và Damon là người được bạn bè cắt cử đi theo hộ tống Anna. Nhìn Anna đi du lịch mà sách theo “cả một cái tiệm thuốc nhỏ trong hành lý, nào là thuốc an thần, thuốc chống bực bội tức giận, và thuốc chống trầm cảm” khiến Damon phải nghĩ ngợi về chứng bệnh của Anna như thể “một cái mặt nạ tách rời cô ta,” và “điều nguy kịch nhất đối với Anna lại nằm ngay trong cô ấy, “được kéo theo với quá nhiều cuồng nộ và sức mạnh.” Nghĩa là Anna đã du hành cùng với một một kẻ xa lạ tối tăm nằm trong cô ta, kẻ xa lạ này muốn cô ta chết đi.”

Trong hai cuộc du hành trước Damon chứng tỏ không đóng trọn vai trò bạn đường và bạn đời, nay trong vai trò người bảo hộ khả năng thất bại xem chừng khó tránh khỏi. Sự việc xảy ra chứng tỏ Damon là một người bảo trợ bất đắc dĩ khi Anna vì đã uống một thứ thuốc quá liều lượng có thể nguy hại tới tính mạng nên Damon phải đưa cô ta đi bệnh viện. Vốn là kẻ thụ động, trong tình cảnh khẩn cấp này Damon cũng không thể chịu đựng được sự vô cảm thụ động của các nhân viên bệnh viện: họ bảo anh trong khi Anna chờ được bác sĩ khám nghiệm chữa trị, hãy xếp hàng trước tiệm bán thuốc để mua sẵn một số thuốc cần thiết và những dụng cụ y khoa. Nhưng sau đó Anna lại phải chuyên chở tới một bệnh viện khác. Cuối cùng tuy Anna cũng được chữa trị nhưng đã có quá nhiều sự việc dở khóc dở cười xảy ra.

Tác giả mô tả Damon trong tình cảnh này như sau: “Thân thể hắn ta tự nó vận chuyển, phá hủy những gì đã hoàn thành, trong khi đầu óc và thần trí hắn lại ở đâu đâu, đang có một cuộc đối thoại căng thẳng và đứt rời. Cái gì sẽ xảy ra nếu, nếu như, nế cô ta, không, tôi không muốn nghĩ về điều đó.” Như vậy, du hành với Anna là một tình trạng năng động của sự chết, và đối với Damon, là kẻ canh giữ cái chết.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG